Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đồng hành cùng các Quỹ tín dụng nhân dân
Năm 2019, các Quỹ tín dụng Nhân dân (Quỹ tín dụng nhân dân) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thực hiện cơ cấu lại theo hướng phát triển về quy mô gắn với xử lý nợ xấu
Đóng vai trò là công cụ chính sách công của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo lợi ích của người gửi tiền và là một bộ phận của hệ thống giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện các mục tiêu chiến lược, cơ sở pháp lý, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng nhân sự, hiện đại hóa nghiệp vụ kiểm tra, giám sát để luôn đồng hành với các tổ chức tín dụng nhằm vượt qua những thách thức trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập nhiều biến động.
Năm 2019, các Quỹ tín dụng Nhân dân (Quỹ tín dụng nhân dân) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thực hiện cơ cấu lại theo hướng phát triển về quy mô gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng điều hành, quản trị, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng hoạt động.
Tăng cường các giải pháp củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân
Triển khai Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" trên địa bàn tỉnh; củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả của Quỹ tín dụng nhân dân hiện có; phạm vi hoạt động chủ yếu của Quỹ tín dụng nhân dân là huy động vốn và cho vay các thành viên trên địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn nhằm huy động các nguồn lực tại chỗ để góp phần phát triển kinh tế địa phương, xóa đói, giảm nghèo và đẩy lùi cho vay nặng lãi; bảo đảm Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động và nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động quỹ tín dụng nhân dân đến thành viên, đến cộng đồng dân cư trên địa bàn, qua đó tạo điều kiện để thành viên hiểu biết và tích cực tham gia quản lý, giám sát hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, Trong 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá, với tổng nguồn vốn huy động ước đạt 14.300 tỷ đồng, tăng 2.153 tỷ đồng so với cùng kỳ (tỷ lệ tăng 17,72%), đạt 50,5% kế hoạch năm. Điều đó cho thấy, các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh mà ngành ngân hàng triển khai đã phát huy hiệu quả.
Trong tổng nguồn vốn huy động kể trên, chủ lực vẫn là tiền gửi tiết kiệm từ dân cư, ước đạt 10.100 tỷ đồng, chiếm 70,63% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng 1.429 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Thời gian qua, nhìn chung, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hoạt động ổn định, nợ quá hạn, nợ xấu thấp, hoạt động kinh doanh có lãi và đã có những đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là phục vụ đắc lực cho chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo.
Ông Hồ Chu Vân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết: Năm 2019, hướng tới "khai thông" nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, việc đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao chất lượng hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân là một trong những nội dung được quan tâm.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại Quỹ tín dụng nhân dân theo hướng "an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững". Kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao vai trò tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn, kiểm soát chất lượng tín dụng.
Tính đúng đắn của chính sách bảo hiểm tiền gửi - Ghi nhận từ thực tiễn
Các quỹ tín dụng nhân dân đang đóng góp ngày càng quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo tại khu vực nông thôn như mở rộng dịch vụ ngành nghề, tạo công ăn việc làm, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi…
Nhưng hiện nay với sự phát triển của mạng lưới các ngân hàng đến khu vực nông thôn cộng với việc ngày càng nhiều tin đồn thất thiệt, các quỹ tín dụng nhân dân phải đối mặt với những thách thức ngày càng khó khăn.
Đồng hành với các quỹ tín dụng nhân dân trong giai đoạn này, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam với mục tiêu "bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền" đã luôn nỗ lực không ngừng bằng nhiều hình thức khác nhau để tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi đến người dân ở vùng nông thôn còn thiếu kiến thức về bảo hiểm tiền gửi. Nhờ vậy, niềm tin của người gửi tiền đối với các Quỹ tín dụng nhân dân cũng được gia tăng.
Quỹ tín dụng nhân dân Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) được thành lập vào tháng 8/1996. Thời gian đầu do chưa tạo được lòng tin đối với người dân địa phương nên việc huy động vốn hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm của lãnh đạo quỹ là tạo uy tín bằng chính hiệu quả hoạt động đã dần tạo được niềm tin cho người dân và ngày càng gắn bó.
Ông Chu Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị quỹ tín dụng nhân dân Nhơn Hải, cho biết: Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động với mục tiêu chủ yếu là hướng đến sự tương trợ giữa các thành viên để góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở địa phương.
"Có thể nói, nhờ đưa chính sách bảo hiểm tiền gửi vào cuộc sống đã thay đổi nhận thức sâu sắc của hầu hết bộ phận dân cư trên địa bàn, củng cố niềm tin người gửi tiền đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Thực tiễn đó đã khẳng định sự đúng đắn hợp lòng dân của chính sách bảo hiểm tiền gửi, tác động tích cực đến lòng tin của dân chúng, người gửi tiền, cải thiện tâm lý e ngại, phân biệt đối với các quỹ tín dụng nhân dân, giúp cho việc huy động vốn của các quỹ tín dụng nhân dân tăng trưởng và phát triển bền vững", ông Chu Long chia sẻ.
Chị Phạm Thị Huê (xã Nhơn Hải, Ninh Hải) - thành viên quỹ tín dụng nhân dân Nhơn Hải, cho biết: Chị là giáo viên, ngoài giờ lên lớp chị lại cùng chồng, con chăm sóc vườn táo đặc sản của gia đình. Nhờ chăm chỉ, ham học hỏi, vườn táo đã đem về cho gia đình chị khoản thu nhập không nhỏ. Ngoài chi tiêu cho gia đình, tiền học hành cho con nhỏ, số tiền còn lại chị gửi hết vào quỹ tín dụng nhân dân Nhơn Hải, vừa sinh lời cho gia đình lại tạo điều kiện cho những hộ khó khăn hơn có vốn phát triển sản xuất. Số tiền này, chị Huê bảo là để lo cho con cái trong tương lai.
Theo chị Huê, không chỉ gia đình nhỏ của chị, mà bố mẹ, anh chị em của chị, có tiền nhàn rỗi đều gửi vào quỹ tín dụng nhân dân Nhơn Hải, bởi quỹ ở gần nhà tiện đi lại, lãi suất ổn định.
Có thể nói, tuy còn không ít khó khăn, nhất là trong việc vận động khách hàng gửi tiền tham gia thành viên của quỹ, huy động tiền gửi dân cư chưa đạt như mong muốn, chất lượng tín dụng có lúc chưa cao… nhưng với những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân ở Ninh Thuận đã thực hiện được mục tiêu chung là "cầu nối" giữa người có vốn nhàn rỗi và người cần vốn trên địa bàn, hỗ trợ vốn cho thành viên sản xuất, kinh doanh, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.