Bạo lực học đường và trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường
Đại biểu Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận vấn nạn bạo lực học đường có trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng các mối quan hệ trong nhà trường….
Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó nhiều ý kiến đề xuất giải pháp về vấn nạn học đường.
Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho rằng vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại cũng ngày càng tăng. Số liệu qua báo cáo của các ngành đã cho thấy số lượng này ngày càng tăng và đặc biệt là năm 2023 thì tăng so với năm 2022 và chiếm trên 43%.
Đại biểu kiến nghị các bộ, ngành đã phải có chính sách tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường cũng như là xâm hại trẻ em.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng học sinh có học lực yếu thì thường có xu hướng bạo lực. Lý do chính để các cháu quậy phá là muốn được mọi người biết đến mình, cái mà các học sinh khá, giỏi luôn có được.
Vì vậy, đại biểu đề nghị ngành giáo dục có quy chế để các cháu có cơ hội dù là hoạt động cá nhân hay trong nhóm được xuất hiện mỗi tháng một lần trước lớp, mỗi năm một lần trước trường để thể hiện bản thân, để được hòa nhập với các bạn, thỏa mãn được mong muốn công nhận thì các cháu sẽ không có xu hướng bạo lực.
Điều này cũng giúp cho các cháu có thêm kỹ năng làm việc nhóm, kĩ năng trình bày trước đám đông mà hiện nay học sinh, sinh viên còn thiếu, giúp hình thành thói quen tốt trong làm việc nhóm sau này là tuân thủ thời gian làm việc, tôn trọng ý kiến đã thống nhất, đặt lợi ích chung lên trước để đạt mục tiêu, giúp chúng ta vượt qua được một quan niệm là "một người Việt thì làm hơn một người khác, nhiều người Việt làm nhóm thì lại thua nhiều nhóm khác".
Trao đổi thêm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho biết chương trình giáo dục phổ thông mới để hướng đến một nền giáo dục, trong đó học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết.
Thế nhưng hiện nay, bạo lực học đường có những biểu hiện đáng lo ngại và những việc đau lòng của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua phần nào đã nói lên văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có nguyên nhân từ nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội.
“Tôi không xem những trường hợp này là riêng lẻ của các địa phương mà là vấn đề ngành giáo dục và toàn xã hội cùng nhìn nhận để có giải pháp phối hợp và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh”, bà Thanh nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng những sự việc vừa qua có trách nhiệm không nhỏ của xã hội bởi những hành vi vượt tầm kiểm soát của nhà trường và của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đây là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng các mối quan hệ trong nhà trường trên cơ sở tình thương, sự bao dung, lòng vị tha, sự thẳng thắn, trung thực và trách nhiệm thông qua các hoạt động diễn ra trong nhà trường, từ các bài học chính khóa đến các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Từ nguyên nhân trên, đại biểu Thanh đề xuất năm giải pháp.
Một là, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng, năng lực tổ chức nhà trường, hiệu trưởng phải có thế giới quan khoa học để hiểu rõ, nắm vững mục tiêu giáo dục; phải có khả năng cụ thể hóa thành các mục tiêu và những giá trị mà nhà trường hướng đến; phải xây dựng được các mối quan hệ trong nhà trường trên cơ sở tình thương, sự bao dung, lòng vị tha, sự thẳng thắn, trung thực và trách nhiệm.
Hai là, các trường sư phạm cần tăng cường đưa nội dung bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên vào nội dung bồi dưỡng thường xuyên, nhất là năng lực giao tiếp sư phạm và năng lực cảm hóa để giúp giáo viên nhận diện được những cảm xúc của học sinh, điều chỉnh quan hệ giao tiếp, ứng xử của các em trong hằng ngày và hằng giờ.
Ba là, cần đẩy mạnh việc tổ chức những chương trình ngoại khóa thiết thực, nhất là các hoạt động đối thoại để học sinh lắng nghe và chia sẻ quan điểm, cách nhìn của học sinh về những vấn đề được dư luận quan tâm. Đây là một hoạt động bổ ích để xây dựng các mối quan hệ, tạo sự đồng thuận giữa các thành viên trong nhà trường để cùng hướng đến các giá trị văn hóa mà nhà trường đang xây dựng.
Bốn là, cần quan tâm xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình. Có lẽ trong mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình lâu nay chúng ta đòi hỏi nhiều về trách nhiệm của phụ huynh mà quên rằng phụ huynh cũng cần phải hiểu về mục tiêu của nhà trường, phải có những thông tin minh bạch để tạo niềm tin. Chính điều đó đã hình thành những phản ứng ngầm thay vì cùng hướng đến các giá trị chung mà trong đó con em phụ huynh được thừa hưởng.
Năm là, văn hóa học đường phải được xây dựng trong thời gian dài và có nền tảng. Những quyết định chưa thỏa đáng sẽ kéo đến các chuẩn mực giá trị thay đổi, văn hóa học đường sẽ thay đổi.