10:05 12/11/2019

Bạo lực leo thang, truyền thông Trung Quốc cảnh báo người biểu tình Hồng Kông

An Huy

Tình trạng bạo lực có chiều hướng ngày càng gia tăng trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông

Người biểu tình ẩn nấp khi cảnh sát bắn đạn hơi cay ở khu Mong Kok của Hồng Kông ngày 11/11 - Ảnh: Reuters.
Người biểu tình ẩn nấp khi cảnh sát bắn đạn hơi cay ở khu Mong Kok của Hồng Kông ngày 11/11 - Ảnh: Reuters.

Lực lượng cảnh sát chống bạo động của Hồng Kông ngày 12/11 bắn đạn hơi cay vào học xá một trường đại học, đẩy căng thẳng leo thang lên một ngưỡng mới.

Trước đó, vào ngày thứ Hai, cảnh sát Hồng Kông nổ súng khiến một người biểu tình trọng thương, trong khi một người biểu tình khác tự thiêu. Vào cuối tuần, người biểu tình ném bom xăng vào cảnh sát trong các cuộc đụng độ dữ dội giữa hai bên trên đường phố.

Phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông đã kéo dài gần nửa năm và chưa hề có dấu hiệu lắng xuống. Thay vào đó, tình trạng bạo lực có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Theo hãng tin Reuters, sáng ngày thứ Ba, một số dịch vụ đường sắt đã bị tạm ngưng và nhiều tuyến phố bị đóng cửa ngày thứ hai liên tiếp tại trung tâm tài chính số 1 châu Á. Vào giờ cao điểm buổi sáng, tắc đường kéo dài đã xảy ra ở nhiều khu vực trong thành phố. Giờ học bị hủy hàng loạt ở các trường học ở Hồng Kông từ tiểu học tới đại học, khiến sinh viên, phụ huynh và giáo viên đều cảm thấy hoang mang.

Cảnh sát Hồng Kông cho biết đã bắt giữ hơn 260 người trong ngày thứ Hai, nâng tổng số người bị bắt lên hơn 3.000 người kể từ khi biểu tình leo thang vào tháng 6.

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam ngày 11/11 cảnh báo rằng bạo lực đã đi quá xa so với các yêu cầu dân chủ và người biểu tình giờ đã trở thành "kẻ thù của nhân dân".

"Nếu ai đó còn có ý nghĩ rằng bằng cách đẩy bạo lực leo thang, chính quyền Hồng Kông sẽ phải khuất phục trước sức ép để thỏa mãn cái gọi là các yêu cầu chính trị, thì tôi xin nói rõ rằng: điều đó sẽ không xảy ra", bà Lam phát biểu cứng rắn trên truyền hình.

Tổng biên tập Hu Xijin của Thời báo Hoàn Cầu - một tờ báo trực thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - viết trên blog rằng cảnh sát Hồng Kông chẳng có gì phải sợ. "Các bạn có sự ủng hộ không chỉ của nhân dân Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, mà còn cả các binh sỹ Trung Quốc và Quân đội Nhân dân giải phóng Trung Quốc ở Hồng Kông… Họ có thể tới Hồng Kông để hỗ trợ bất kỳ lúc nào".

Trung Quốc hiện có khoảng 12.000 binh sỹ đồn trú ở Hồng Kông. Kể từ khi biểu tình nổ ra, lực lượng này chưa có động thái nào, nhưng Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn nếu có bất kỳ nỗ lực nào đòi độc lập cho Hồng Kông - một yêu cầu của một nhóm rất nhỏ người biểu tình.

Ngày 11/11, cảnh sát Hồng Kông bắn hơn cay ở ngay khu vực quận tài chính trung tâm của Hồng Kông khi người biểu tình dùng ô che chắn và phong tỏa các con phố. Đạn hơn cay đã được bắn bên ngoài Landmark, một trong những trung tâm mua sắm lâu đời và đắt đỏ nhất ở Hồng Kông.

Biểu tình giờ đây diễn ra gần như hàng ngày ở Hồng Kông, nhưng hiếm khi có bắn đạn hơi cay vào giờ làm việc ở quận trung tâm, nơi các ngân hàng và thương hiệu lớn đặt trụ sở và cửa hiệu. Nhiều văn phòng đã phải đóng cửa sớm trong ngày đầu tuần vì lo ngại bạo lực.

Theo Reuters, người biểu tình Hồng Kông đang nổi giận trước điều mà họ cho là sự mạnh tay của cảnh sát và sự can thiệp của Bắc Kinh vào những quyền tự do theo quy định hệ thống "một quốc gia, hai chế độ" áp dụng ở Hồng Kông kể từ khi vùng lãnh thổ này được Anh trao trả lại Trung Quốc vào năm 1997.

Về phần mình, Trung Quốc phủ nhận can thiệp vào Hồng Kông và đổ lỗi cho một số quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, khuấy đảo vấn đề Hồng Kông.