Báo Nikkei "choáng" khi nói về cơn sốt chứng khoán ở Việt Nam
Tờ báo Nhật Bản Nikkei vừa có một bài viết nói về làn sóng nhà đầu tư cá nhân mua cổ phiếu ở Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh trong tháng 3/2020 theo đà lao dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu vì sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. Nhưng thay vì hoảng sợ khi chứng kiến giá cổ phiếu giảm liên tiếp, Đinh Thành Công quyết định mở một tài khoản giao dịch chứng khoán.
Bạn bè nói với Công rằng giá cổ phiếu rẻ chính là cơ hội để mua, nên Công đã trở thành một trong số gần 400.000 nhà đầu tư chứng khoán mới ở Việt Nam trong năm ngoái. Con số kỷ lục nhà đầu tư không chuyên gia nhập thị trường này đánh dấu một bước ngoặt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi những nhà đầu tư vốn chuộng các kênh bất động sản và tiết kiệm bắt đầu quay san mua cổ phiếu - tờ báo Nhật Bản Nikkei nhận định.
BA LÝ DO CỦA LÀN SÓNG ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU
Tương tự như nhà đầu tư cá nhân ở Mỹ đua nhau sử dụng ứng dụng Robinhood để giao dịch cổ phiếu trong lúc phải ở nhà vì giãn cách xã hội, các nhà đầu tư Việt Nam cũng dùng các ứng dụng trên smartphone để mua bán cổ phiếu từ xa.
"Trong thời gian Covid, tôi có lúc phải làm việc ở nhà, nên có thời gian để làm thêm những thứ khác", Công - một kỹ sư - cho hay. Nhà đầu tư này đã tải ứng dụng SSI để giao dịch cổ phiếu và thường truy cập để kiểm tra danh mục ít nhất 4 lần một ngày.
Các nhà giao dịch chuyên nghiệp nói rằng làn sóng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên vì ba lý do: lãi suất thấp, khiến người gửi tiết kiệm muốn đi tìm một kênh đầu tư có khả năng sinh lời tốt hơn; người Việt Nam có nhiều tiền hơn để đầu tư, từ những chủ doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động trong đại dịch, cho tới những người được thừa kế tài sản từ thế hệ ông bà cha mẹ bắt đầu kinh doanh từ thập niên 1980; và đợt giãn cách xã hội khiến nhiều người có tiền bắt đầu mày mò, tìm hiểu về đầu tư chứng khoán.
Năm ngoái, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) ghi nhận 2,7 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước, tăng kỷ lục 16,8% so với năm 2019. Xu hướng này tiếp diễn trong năm nay, với 86.000 tài khoản mới được mở trong tháng 1, nhiều hơn bất kỳ tháng nào của năm 2020.
"Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến nhiều người đổ xô đi mở tài khoản chứng khoán và chuyển tiền khỏi ngân hàng như thế này", Phó tổng giám đốc Lim Shiu Beng của công ty chứng khoán SBBS nói với Nikkei.
Có một số ý kiến lo ngại thị trường chứng khoán Việt Nam đang hình thành bong bóng, nhưng ông Lim cho rằng nhà đầu tư cá nhân đang ngày càng có nhiều thông tin hơn. Ông dự báo những thay đổi sắp tới sẽ cho phép khối lượng giao dịch chứng khoán ở Việt Nam tăng gấp 2-3 lần trong mấy năm tới đây.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đưa quốc gia được nâng cấp từ thị trường sơ khai (frontier) lên thị trường mới nổi (emerging) trong các chỉ số chứng khoán của MSCI và FTSE. Điều này đòi hỏi việc nới lỏng quy chế giám sát, chẳng hạn nâng trần sở hữu và mức giao dịch hàng ngày của nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với thị trường chứng khoán còn non trẻ của Việt Nam, làn sóng nhà đầu tư cá nhân - được gọi là F0 - cho thấy rằng việc sở hữu cổ phiếu đang dần trở thành một tiêu chuẩn - ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới thuộc Mirae Asset Securities, nhận định. "Tư duy của người Việt Nam đã thay đổi. Trước đây, họ có một cái nhìn hết sức căn bản về tài sản. Tư duy hiện nay là ‘Tôi phải có nhiều loại tài sản’", ông Tuấn nói.
"NHIỀU NGƯỜI CHẮC CHẮN SẼ MẤT TIỀN"
Lãi suất có thể tăng lên khi kinh tế toàn cầu hồi phục trong năm nay, nhưng vẫn còn nhiều điều kiện khác khuyến khích người Việt Nam đầu tư cổ phiếu, bao gồm nguồn cung bất động sản thắt chặt. Doanh số bán căn hộ ở Tp.HCM đã giảm 20% trong quý 4/2020 so với cùng kỳ năm trước; tại Hà Nội, mức giảm là 52% - theo số liệu từ Cushman & Wakefield.
Ông Tuấn nhấn mạnh rằng còn một lý do quan trọng nữa để dòng tiền tiếp tục chảy vào chứng khoán. Đó là sự nổi lên của một thế hệ có nhiều tài sản thừa kế. Con cháu của những người giàu lên từ khi Việt Nam mở cửa kinh tế giờ đã đến tuổi trưởng thành. Nhiều người trong số này du học về, tiếp quản công ty của cha mẹ, và có tiền đầu tư cổ phiếu.
Ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam sẽ ngày càng thông thái hơn, bao gồm cả thế hệ doanh nhân mới và những người có tiền. Thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở Việt Nam đang tăng 9% mỗi năm và dự báo đạt 3.062 USD vào năm 2023, theo công ty tư vấn McKinsey.
"Những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường chứng khoán có học thức cao hơn, tự mình nghiên cứu nhiều hơn", ông Lim nói. "Thị trường đang thay máu".
Tổng giá trị vốn hóa của hai sàn Hà Nội và Tp.HCM hiện mới đạt 211 tỷ USD, thấp nhất trong số 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đứng ngay sau thị trường Philippines với quy mô 315 tỷ USD và thị trường Malaysia với quy mô 436 tỷ USD.
Ông Ngô Văn Khải, nhà phân bổ tài sản thuộc quỹ đầu tư Timensit, có quan điểm thận trọng, lo ngại sự xuất hiện của bong bóng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông cho rằng có quá nhiều nhà đầu tư không chuyên đang đầu cơ cổ phiếu. "Họ chẳng ngại rủi ro, họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Nhiều người trong số này chắc chắn sẽ mất tiền", ông Khải nói.
Cũng theo ông Khải, đại dịch Covid-19 không chỉ mang lại cho nhiều người Việt Nam thêm thời gian mà cả những động lực khác để đầu tư chứng khoán. Trong đó, nhiều người mua cổ phiếu với mong muốn kiếm tiền vì lâm cảnh thấp nghiệp, một số khác không thể tiếp tục đầu tư kinh doanh. Năm ngoái, 101.700 doanh nghiệp ở Việt Nam đóng cửa hoặc dừng hoạt động, tăng 13,9% so với 2019 - theo thống kê chính thức.