Giới đầu tư chứng khoán Mỹ vay ký quỹ nhiều chưa từng thấy
Năm nay, Phố Wall đã có hai ví dụ điển hình về rủi ro mà đòn bẩy nợ đặt ra cho nhà đầu tư
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ vay ký quỹ nhiều kỷ lục để mua cổ phiếu, khiến giới chuyên gia lo ngại.
Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu từ cơ quan tự giám sát của Phố Wall là Financial Industry Regulatory Authority (Finra) cho biết ở thời điểm cuối tháng 2 năm nay, giới đầu tư chứng khoán Mỹ vay ký quỹ 814 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước và là một con số kỷ lục. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất của vay ký quỹ chứng khoán ở Mỹ kể từ năm 2007 - thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính 2008. Lâu hơn nữa, nhà đầu tư cũng vay ký quỹ với tốc độ tương tự trước khi bong bóng dotcom vỡ tung vào năm 1999.
Việc nhà đầu tư, cả nhỏ lẻ và chuyên nghiệp, ồ ạt vay nợ để mua cổ phiếu được xem là một nguyên nhân đưa chỉ số S&P 500 tăng 53% trong vòng 12 tháng trở lại đây. Bên cạnh yếu tố này còn có những nguyên nhân khác, gồm sự phục hồi của kinh tế Mỹ từ cú sốc Covid-19 và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Một số nhà phân tích cho rằng mức vay nợ ký quỹ khổng lồ trên có thể dẫn tới tình trạng bong bóng và đến một mức độ nào đó, việc sử dụng đòn bẩy thái quá sẽ khiến nhà đầu tư "lãnh đủ" trong trường hợp thị trường bất ngờ đảo chiều.
"Thị trường càng tăng, nợ ký quỹ sẽ càng lớn. Khi có một thứ gì đó nổ tung, thị trường dễ dàng lao dốc", Giám đốc Edward Yardeni của công ty nghiên cứu Yardeni Research cảnh báo.
Giao dịch ký quỹ được xem là một "con dao hai lưỡi". Vốn vay giúp nhà đầu tư tăng sức mua, nhưng cũng đặt họ vào thế rủi ro lớn hơn. Khi giá cổ phiếu lao dốc, bên cho vay ký quỹ có thể yêu cầu nhà đầu tư đặt thêm tài sản ký quỹ hoặc phải bán tháo cổ phiếu - "cơn ác mộng" mang tên "margin call".
Nhà chức trách Mỹ cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy nợ tràn lan. Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) hôm thứ Ba tuần này khuyến cáo rằng "giao dịch ngắn hạn mang tính đầu cơ luôn rủi ro, nếu kết hợp với các sản phẩm và thị trường ít quen thuộc, đòn bẩy, và lời khuyên từ những cá nhân nặc danh, sẽ trở thành một công thức gây thảm họa".
Năm nay, Phố Wall đã có hai ví dụ điển hình về rủi ro mà đòn bẩy nợ đặt ra cho nhà đầu tư.
Đầu tiên phải kể đến "cơn điên" cổ phiếu GameStop. Lực lượng nhà đầu tư cá nhân trên một diễn đàn thuộc Reddit đã tập hợp gom mua cổ phiếu này, trong đó có mua bằng tiền vay ký quỹ, đẩy giá cổ phiếu GameStop tăng chóng mặt trước khi sụt giảm với tốc độ mạnh không kém.
Thứ hai là vụ cháy quỹ đầu cơ Archegos. Quỹ này đã mạnh tay sử dụng đòn bẩy nợ bằng những hợp đồng phái sinh phức tạp có tên "total return swap". Lệnh "margin call" đối với Archegos đã khiến một loạt cổ phiếu bị bán tháo, kéo theo đó là thua lỗ đậm ở một loạt nhà băng có giao dịch với Archegos. Trong đó, thiệt hại ở ngân hàng Credit Suisse là 4,7 tỷ USD.
Theo quy định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhà đầu tư phải có ít nhất 0,5 USD tài sản thế chấp mới được mua 1 USD cổ phiếu. Nhưng bằng công cụ swap, Archegos chỉ phải thế chấp 0,15 USD để mua 1 USD cổ phiếu. Nhờ đó, Archegos được cho là chỉ có 10 tỷ USD tài sản, nhưng riêng giá trị trạng thái bị thanh lý sau khi quỹ này bị cháy tài khoản đã lên tới 30 tỷ USD.
Hiện chưa rõ ở Phố Wall có bao nhiều quỹ đầu tư dùng đòn bẩy nợ theo kiểu Archegos.