10:53 15/10/2008

Bất bình đẳng giới trong chứng nhận quyền sử dụng đất

Huyền Ngân

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một tên đã dấn tới bất bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai giữa nam và nữ

Hệ quả của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một tên là người phụ nữ dễ mất quyền với đất đai trong mọi trường hợp, nhất là khi vợ chồng ly hôn hoặc góa bụa.
Hệ quả của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một tên là người phụ nữ dễ mất quyền với đất đai trong mọi trường hợp, nhất là khi vợ chồng ly hôn hoặc góa bụa.
Ngày 12/10, Tổ chức ActionAid Việt Nam đã công bố báo cáo khảo sát “Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ - Nhìn từ thực trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hai tên tại 6 vùng phát triển dài hạn của ActionAid Việt Nam”.

Cuộc khảo sát do ActionAid Việt Nam phối hợp cùng Mạng lưới Các tổ chức dân sự xã hội vì an ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN) tại 6 tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Ninh Thuận, Gia Lai, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Kết quả khảo sát cho thấy ở cả 6 tỉnh, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói chung mới chỉ phổ biến ở sổ một tên (chồng). Các thông tin về Luật đất đai và những điều liên quan đến quyền tiếp cận đất của phụ nữ chỉ mới tới được cấp huyện, chưa được phổ biến đến người dân, do vậy tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng tại các địa bàn khảo sát còn rất thấp: Hòa Bình và Lai Châu: 1-5%, các tỉnh còn lại là 10-15%.

Nguyên nhân của thực trạng này là do các cấp chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải tiến hành cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục hành chính còn rườm rà, chi phí mà người dân phải trả cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn cao; công tác thông tin tuyên truyền về Luật Đất đai chưa được quan tâm đúng mức; bản thân người dân, đặc biệt là phụ nữ cũng chưa hiểu về quy định này và ý nghĩa của nó. Trong một số gia đình, người chồng chưa tạo điều kiện để người vợ được ghi tên vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều chủ hộ gia trưởng, chỉ muốn đứng một tên...

Đa số người dân ở các vùng khảo sát chưa biết đến quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang hai tên vợ và chồng, từ đó chưa  nhận thức đầy đủ về lợi ích của quyền tiếp cận và sử dụng đất của người phụ nữ. Vì vậy, mặc dù người phụ nữ tham gia vào hoạt động trồng trọt nhiều không kém đàn ông nhưng đại đa số chủ hộ đứng tên là nam giới.

Ông Saroj Dash, quyền Giám đốc Quốc gia ActionAid Việt Nam nói: “Phụ nữ là người sản xuất nông nghiệp chủ yếu và nuôi sống cả gia đình, song quyền tiếp cận và sử dụng các công cụ và tư liệu sản xuất của họ vẫn chưa được đảm bảo, thậm chí có khi còn bị xâm phạm”.

Trong gia đình, việc không thực sự được làm chủ nguồn đất đai, tư liệu, công cụ sản xuất, người phụ nữ luôn ở vào vị thế phụ thuộc, vai trò giới không được phát huy. Vì thế, đói nghèo, chậm phát triển luôn là ẩn họa đối với phụ nữ và con cái họ.

Ở Việt Nam, tuy luật pháp quy định phụ nữ và nam giới đều có quyền và có khả năng thực hiện, quản lý tài nguyên bền vững nhưng họ nhận thức về sử dụng quyền khác nhau tùy theo điều kiện tiếp cận nguồn đất đai. Thêm vào đó, phong tục, tập quán ở một số nơi đã bỏ qua quyền sở hữu thực tế được pháp luật công nhận. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một tên đã tạo nên sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ so với nam giới.

Hệ quả là người phụ nữ dễ mất quyền với đất đai trong mọi trường hợp, nhất là khi vợ chồng ly hôn hoặc góa bụa. Đây là chưa kể đến khó khăn của phụ nữ trong trường hợp cần vay vốn tín dụng của Nhà nước khi chồng ốm đau hay được quyền chủ động trồng cây gì, gieo hạt gì đạt năng suất cao...giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2 tên sẽ tạo điều kiện bình đẳng cho cả vợ và chồng sở hữu đất; nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là phụ nữ khi họ không biết đến quyền lợi của chính mình.

Người phụ nữ sẽ cảm thấy phấn khởi vì được làm chủ tài sản gia đình ngang với chồng, từ đó tạo tâm lý thoải mái cho cả gia đình, dẫn tới không khí gia đình đầm ấm, kinh tế gia đình phát triển, con cái được chăm sóc tốt hơn; trong trường hợp ly hôn thì cũng chủ động hơn về việc phân chia tài sản. giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn đảm bảo để người vợ tham gia quản lý, bảo vệ tài sản cho con cái, yên tâm hơn để đóng góp công sức của mình với gia đình, tạo nên sự tự tin của người vợ bên cạnh người chồng.

Điều đặc biệt quan trọng là khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hai tên, vị thế của người phụ nữ đã được nâng lên trong gia đình cũng như trong xã hội, góp phần thay đổi tính gia trưởng ở một bộ phận nam giới.

Để thúc đẩy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang hai tên vợ và chồng cũng như nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này, cần thực hiện các nhóm giải pháp: cải cách thủ tục hành chính; nâng cao công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa hiểu rõ hơn về lợi ích và tác động tích cực của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2 tên; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ địa chính địa phương; giảm, miễn lệ phí đổi/ cấp sổ 2 tên cho các gia đình nghèo...