06:45 01/06/2021

Bất cập quy định quảng cáo, nguồn thu sẽ tiếp tục chảy về túi Google, Facebook?

Đỗ Phong

Với một số bất cập trong quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 sẽ tác động tới phát triển của ngành quảng cáo, ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu của các báo điện tử, khi mà 80% nguồn này đang và đang đổ vào túi các nền tảng Facebook, YouTube…

Quảng cáo trực tuyến sẽ lên ngôi
Quảng cáo trực tuyến sẽ lên ngôi

Từ 1/6, Nghị định 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, trước đó ít ngày, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam trong kiến nghị của mình đã chỉ ra một số điểm bất cập trong Nghị định mới này, đó là quy định xử phạt “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” và “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào nội dung tin bài”.

80% MIẾNG BÁNH ĐANG VÀO TÚI FACEBOOK, GOOGLE

Theo phân tích trong kiến nghị của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam do Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nguyễn Trường Sơn ký cũng như chia sẻ của các doanh nghiệp trong ngành đều khẳng định, quy định về “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” là thiếu thực tế, quá ngắn để có thể truyền tải thông điệp. So sánh với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới, giao diện hiện tại cho phép người xem chỉ có thể bỏ qua quảng cáo sau ít nhất là 5 giây.

Chia sẻ với VnEconomy, một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo cho rằng, về lý thuyết, doanh nghiệp sẽ chi tiền quảng cáo cho kênh nào có nhiều người xem, và mang lại hiệu quả cao. Nên khi quảng cáo ở kênh nào khó khăn thì các doanh nghiệp sẽ tìm đến kênh khác…

 

Theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 820 triệu USD. Dự báo năm 2021 mức doanh thu này sẽ đạt khoảng 955 triệu USD. Trong đó, có đến 80% “miếng bánh” doanh thu vào túi Google, Facebook...

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, quảng cáo trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Dẫn đầu về thị phần, doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam hiện nay là các nền tảng xuyên biên giới Facebook và Google. 

Và với quy định như trên, chuyên gia này cho rằng, trong thời gian tới không chỉ 80% nguồn tiền quảng cáo chảy vào túi các “gã khổng lồ” mà thậm chí sẽ hơn thế nữa. Mặc dù nhà nước khuyến khích các nhãn hàng quảng cáo trên báo chí Việt Nam nhưng với quy định siết chặt như thế thì các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ lại phải quay ra quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube…

Như vậy, nếu quảng cáo trên báo chí của các doanh nghiệp trong nước đang bị siết chặt bởi quy định nghiêm ngặt của Nghị định này, thì các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới lại được tạo lợi thế một cách tự nhiên bởi tiêu chuẩn, nguyên tắc hoạt động của họ cũng như chúng ta chưa xử lý được sai phạm của các nền tảng này khi không có trụ sở tại Việt Nam. Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong nước/các cơ quan báo chí với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới…

Đại diện Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho rằng, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của những cơ quan báo chí điện tử vốn chủ yếu trông vào quảng cáo. Nếu quảng cáo đăng trên các báo điện tử chỉ 1,5 giây và không được đăng chèn vào nội dung thì không doanh nghiệp nào muốn đăng quảng cáo vì sẽ không có hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Nhật, Chủ nhiệm câu lạc bộ quảng cáo ngoài trời Tp.HCM chia sẻ, số lượng doanh nghiệp quảng cáo, Agency của Việt Nam khá nhiều nhưng thực tế thu 10 đồng đã phải chi 7 đồng cho Google, Facebook. Nguồn kinh phí quảng cáo dành cho các cơ quan báo chí sẽ càng ngày càng khó khăn hơn.

Theo một doanh nghiệp có thâm niên quảng cáo online hơn chục năm, báo chí hiện nay đang bị vướng giữa vấn đề thu phí độc giả người dùng và thu phí quảng cáo. Do không thu phí người dùng nên báo chí chỉ có thể thu phí từ hoạt động quảng cáo. Trong thu phí quảng cáo có một số định dạng và nếu quy định chỉ để 1,5 giây là quá ngắn, thiếu cơ sở thực tế và cần phải được nghiên cứu để kéo dài thời gian hơn. Hiện nay, các nền tảng quảng cáo trên OTT như YouTube thường là 5-6 giây và có báo cho người dùng biết có thể/sẽ tắt sau bao nhiêu giây…

MẤU CHỐT CẦN SỬA LUẬT QUẢNG CÁO

Thông lệ quốc tế, với báo chí miễn phí tương tự như ở Việt Nam, quảng cáo được phép xen kẽ với nội dung tin/bài và tùy biến dựa theo đối tượng đọc báo. Người đọc có quyền nhấp chuột xem hay bỏ qua nội dung quảng cáo. Hành vi “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài” là một trong các vi phạm hành chính bị xử lý.

Mặc dù quy định này hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi của độc giả, nhưng lại thiếu công bằng trong việc đảm bảo quyền của cá nhân/tổ chức mua dịch vụ quảng cáo cũng như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo. Các công cụ tiếp cận khách hàng thông qua sản phẩm truyền thông chính thống bị thu hẹp, gây trở ngại, khó khăn cho ngành quảng cáo. 

Theo các doanh nghiệp, quy định mới này sẽ giúp người đọc có một không gian báo mạng sạch hơn, không còn bị quảng cáo làm phiền. Nghị định này sẽ ngăn chặn hiện tượng nhiều trang tin lạm dụng hình thức quảng cáo ngữ cảnh, gây nhầm lẫn cho người đọc cũng là người tiêu dùng…

 

Trong thời gian tới, các quy định này cũng sẽ trở thành lạc hậu vì xu hướng quảng cáo trực tuyến sẽ lên ngôi với nhiều hình thức khác nhau thu hút sự chú ý; ứng dụng các nền tảng công nghệ, nền tảng Internet xuyên quốc gia. Do đó, báo chí sẽ càng ngày càng khó khăn trong kêu gọi quảng cáo vì quảng cáo sẽ chảy vào các ứng dụng khác.

Doanh nghiệp này cho rằng, với những trang nào quá nhiều quảng cáo, gây khó chịu sẽ rất dễ bị người đọc chán nản bỏ đi và không vào lại. Một tờ báo không còn độc giả thì cũng không thể gọi được quảng cáo và khó tồn tại. Bản thân các tờ báo sẽ phải điều chỉnh vấn đề này cho phù hợp và đặc biệt phải nâng cao chất lượng nội dung thông tin. Quảng cáo với nội dung bao giờ cũng phải gắn liền với nhau.  Nếu thông tin không hay, số lượng người xem ít, quảng cáo không còn, báo chí sẽ khó tồn tại và ngược lại. Tuy nhiên, ngay cả những tờ báo đầu tư chất lượng tin bài, trân trọng độc giả thì với quy định quảng cáo thế này vẫn sẽ vi phạm…

Thực tế, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây đã được quy định trong Luật Quảng cáo, Nghị định thi hành và nay được nhắc lại. Nhưng vì không hợp lý nên trong gần 10 năm qua, chưa đơn vị nào bị phạt theo quy định này. Tuy nhiên theo ông Sơn, khi Nghị định 38 được ban hành thì chúng ta hiểu rằng chính phủ rất quan tâm đến việc này, chú trọng kỷ cương, mọi công dân đều phải tuân thủ theo pháp luật thì từ ngày 1/6 trở đi tất cả các bên phải nghiêm chỉnh thực hiện và những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt.

Để khắc phục những bất cập trên, đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, Nghị định 38 là văn bản dưới luật nên không thể làm sai luật. Do đó, điều quan trọng nhất là phải kiến nghị để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Quảng cáo.