15:46 09/05/2021

Nắn dòng quảng cáo trực tuyến đang bị "vẩn đục"

Hồng Vinh

Năm 2022 con số này được dự báo có thể đạt mức xấp xỉ 400 triệu USD, tăng gần 116 triệu USD so với năm 2019. Tuy nhiên, thị trường quảng cáo trực tuyến vẫn còn những “vẩn đục”, cần được “khơi trong”.

Quảng cáo trực tuyến đã trở nên quen thuộc với hầu hết người dùng Internet qua các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Việt Tuấn.
Quảng cáo trực tuyến đã trở nên quen thuộc với hầu hết người dùng Internet qua các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Việt Tuấn.

Quảng cáo trực tuyến đã trở nên quen thuộc với hầu hết người dùng Internet qua các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Google... Doanh thu khổng lồ hàng năm của quảng cáo trực tuyến phần nào cho thấy sự phổ biến cũng như tốc độ tăng trưởng, sức ảnh hưởng của loại hình quảng cáo này.

QUẢNG CÁO ONLINE BÙNG NỔ 

Có thể nói trong thời đại công nghệ 4.0, mọi lĩnh vực, ngành nghề đều chuyển dịch theo hướng khai thác và sử dụng các ứng dụng công nghệ số (ứng dụng mua bán, tiếp cận khách hàng viber, zalo, messenger, whatsapp, CRM...). Xuất hiện như một tất yếu khách quan, quảng cáo trực tuyến phản ánh nhu cầu cũng như xu hướng của người sử dụng hiện đại.

Nắn dòng quảng cáo trực tuyến đang bị "vẩn đục" - Ảnh 1

Với khả năng tương tác cao (chatbox, robots, comment, review, điện thoại...), không thể phủ nhận các hiệu quả tích cực của quảng cáo trực tuyến, nhất là với các nhãn hàng, doanh nghiệp. Hơn nữa, việc quảng cáo trên các kênh truyền thống thường đòi hỏi chi phí cao hơn so với quảng cáo trên nền tảng số cũng là một trong những lý do thúc đẩy sự bùng nổ của quảng cáo trực tuyến.

Theo số liệu thị trường quảng cáo trực tuyến của Adsota, mức chi cho các hoạt động quảng cáo trực tuyến tăng đều mỗi năm tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2019 là 22,5%, đến năm 2020 tăng lên 23,4% và dự kiến, con số này lần lượt trong các năm 2021, 2022 là 24,2% và 24,7%. Ngoài ra, doanh thu từ quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2022 có thể đạt mức xấp xỉ 400 triệu USD, tăng gần 116 triệu USD so với năm 2019.

Bà Thi Anh Đào, Giám đốc điều hành Isobar Việt Nam cho biết: việc doanh nghiệp chạy quảng cáo trên mạng xã hội cũng đã đem lại hiệu quả không nhỏ khi mà hoạt động kinh doanh kết nối được với khách hàng, qua đó tạo mối liên kết hiệu quả giữa trải nghiệm truyền thông, thông điệp sáng tạo và các hoạt động thúc đẩy hành vi mua hàng. Hiện, rất nhiều các doanh nghiệp đều có những hoạt động quảng cáo và lựa chọn hình thức quảng cáo trên các mạng xã hội.

VẪN CÒN NHỮNG "VẨN  ĐỤC" 

Hiện nay, quảng cáo tràn lan với các hình thức khiến người xem khó chịu, nội dung của nhiều quảng cáo trực tuyến còn nhảm nhí, không đúng sự thật, thổi phồng công dụng quá mức, các clip cắt ghép, lấy hình ảnh chính trị gia, bác sỹ, người nổi tiếng để tăng mức độ uy tín “ảo tưởng” hay những bài nhạc “chế”, xuyên tạc rất phản cảm.

 

Quảng cáo trực tuyến với không ít những lỗ hổng đang dần trở thành mảnh đất béo bở để quảng cáo không phép lộng hành. Có thể thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đáng buồn này là những lỗ hổng trong quản lý, kiểm duyệt nội dung trên nền tảng trực tuyến.

Bằng các chiêu trò này, họ đã bán nhiều sản phẩm chất lượng rất kém, thu lợi bất chính và trốn thuế. Một số dịch vụ khám, chữa bệnh, và nhiều mặt hàng khác cũng được rao bán trên mạng theo lối thổi phồng, bất chấp hậu quả với người tiêu dùng như mỹ phẩm, thuốc nhuộm, điều trị mất ngủ, thuốc mọc tóc, trắng da, dịch vụ làm đẹp, hàng gia dụng...

Để đăng quảng cáo trên báo chí hoặc kênh chính thống, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng nhiều thủ tục, từ pháp lý đến chất lượng sản phẩm dịch vụ. Các thủ tục này khiến quảng cáo được kiểm soát tốt hơn về nội dung cũng như cách thức xuất hiện.

Trong khi đó, quảng cáo trực tuyến với không ít những lỗ hổng đang dần trở thành mảnh đất béo bở để quảng cáo không phép lộng hành. Có thể thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đáng buồn này là những lỗ hổng trong quản lý, kiểm duyệt nội dung trên nền tảng trực tuyến.

Giám đốc một doanh nghiệp có hơn 15 năm kinh doanh mạng quảng cáo của Việt Nam thừa nhận: đa số các doanh nghiệp làm đại lý quảng cáo trực tuyến, báo chí Việt Nam tuân thủ đầy đủ quy định Luật Quảng cáo nhưng chỉ chiếm thị phần nhỏ trong miếng bánh thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam.

“Doanh nghiệp cũng thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí. Tuy nhiên, các mạng lưới quảng cáo ngoại chiếm thị phần lớn nhất lại không có pháp nhân tại Việt Nam, nên cũng không chịu các áp lực chi phí tương tự. Về lâu dài, có thể doanh nghiệp trong nước sẽ khó trụ được, miếng bánh dần về trọn các doanh nghiệp nước ngoài”, vị giám đốc “chua chát” chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ riêng hai mạng lưới quảng cáo của Google và Facebook đã chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Đáng chú ý, dù hai hãng công nghệ ngoại này đều chưa có pháp nhân tại Việt Nam, nhưng có đến 70% khách hàng tại Việt Nam ký hợp đồng mua dịch vụ quảng cáo trực tiếp với Facebook, tức là không thông qua đại lý. Trong khi tỷ lệ này với Google là hơn 50%.

CẦN ĐƯỢC "KHƠI TRONG"

Đại diện một Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến được phân công chưa hợp lý. Ví dụ, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý quảng cáo trực tuyến, nhưng quản lý quảng cáo xuyên biên giới lại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Do đó, việc phát hiện, giám sát, loại bỏ quảng cáo sai phạm còn chồng chéo, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo vị này, đối với các sai phạm trong quảng cáo trực tuyến, nhiều khi yêu cầu gỡ bỏ đối với Facebook hay Youtube khá gian nan, một phần vì họ không có trụ sở tại Việt Nam, nên vấn đề then chốt là yêu cầu những đơn vị gom quảng cáo của doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo chỉ nhận các quảng cáo đã được cơ quan chức năng duyệt nội dung và cấp phép. Tuy nhiên, việc này cần sự quyết tâm lớn của cơ quan chức năng cũng như sự chung tay đồng thuận của tất cả các đại lý gom quảng cáo.

 

Đối với các sai phạm trong quảng cáo trực tuyến, nhiều khi yêu cầu gỡ bỏ đối với Facebook hay Youtube khá gian nan, một phần vì họ không có trụ sở tại Việt Nam.

Ngoài ra, vấn đề kiểm duyệt, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần kiểm duyệt chặt chẽ, bảo đảm tính chính xác của thông tin, nội dung nhân văn, phù hợp truyền thống văn hóa trước khi phối hợp với đơn vị sử dụng dịch vụ đưa quảng cáo lên các phương tiện thông tin điện tử. Đồng thời, tăng mức xử phạt, thậm chí tùy từng mức độ có thể tính đến xử lý hình sự với những quảng cáo sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước tình trạng quảng cáo hiện nay, ngày 29/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, trong đó đáng chú ý là những mức xử phạt được quy định tăng nặng để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/6/2021 và được kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả thực thi pháp luật trong quản lý văn hóa, quảng cáo, nhất là khi trên thực tế lĩnh vực này đang bộc lộ không ít bất cập, tình trạng quảng cáo “bẩn”, quảng cáo “láo”, “quá mức”, mượn danh nghĩa, hình ảnh để trục lợi trên môi trường mạng xã hội, YouTube ngày càng tràn lan, gây hậu quả khó lường đối với người sử dụng mạng Internet.

Nghị định số 38 quy định tăng nặng mức xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực. Bởi không chỉ đưa quảng cáo trực tuyến đi đúng hướng, phát huy hiệu quả trên thực tế, bảo vệ người tiêu dùng, mà còn góp phần mang lại sự lành mạnh cho môi trường mạng.