Bất chấp Covid, chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp
Trong 5 tháng đầu năm 2021, “bức tranh” sản xuất công nghiệp có nhiều “gam” màu sáng với những tín hiệu tích cực từ một số ngành mũi nhọn; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao, tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế...
Đáng chú ý, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Theo báo cáo Tổng cục Thống kê mới công bố, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, nhưng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 vẫn tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
DẪN DẮT TĂNG TRƯỞNG TOÀN NGÀNH
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, ước tính IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%), đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 2,1%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,7%), làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Nhìn vào những con số thống kê có thể thấy, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, cơ cấu các ngành công nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực khi tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng của ngành khai khoáng có xu hưởng giảm. Điều này phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành tạo ra nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định. Hầu hết các công việc trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào sản xuất.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng đã chứng minh, tại thời điểm 1/5/2021, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với thời điểm tháng 1/4/2021 và 2,4% so với cùng thời điểm năm 2020; ngành sản xuất và phân phối điện không đổi và tăng 0,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 0,2%. Riêng ngành khai khoáng, tại thời điểm trên, số lao động tăng 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước, nhưng so với cùng thời điểm năm trước giảm 0,9%.
Trong một báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng rất nhanh, chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới.
Với năng lực sản xuất hàng hóa công nghiệp ngày càng được mở rộng, cùng với việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu quả, trong thời gian vừa qua, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bền vững, nhiều năm liên tục Việt Nam xuất siêu, đảm bảo cân đối vĩ mô nền kinh tế càng khẳng định vai trò quan trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng chỉ ra một số hạn chế của công nghiệp chế biến, chế tạo, đó là chủ đạo vẫn tập trung ở ngành công nghệ thấp và ở khâu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp.
Các ngành công nghiệp chủ đạo phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu nhờ vào sử dụng nhân công giá rẻ và nguyên liệu nhập khẩu đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Đáng lưu ý, trong khi đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng, thì đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước ngày càng giảm. Hiệu quả hoạt động của đa số doanh nghiệp công nghiệp nhà nước thấp. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực còn nhiều hạn chế.
Hơn nữa, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn vừa qua chủ yếu do việc thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các cơ hội thị trường tạo ra khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia các FTA, chứ không phải do nội lực của các doanh nghiệp trong nước (các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Đặc biệt, đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện – điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng các ưu đãi về thuế và các chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ và các yêu cầu về môi trường, lao động chưa quá cao của Việt Nam.
Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành công nghiệp không cao. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp.
Điều này khiến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất, khiến cho hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội trên thế giới và trong khu vực (mà ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến khu vực sản xuất vừa qua là một ví dụ điển hình).
"QUÁN QUÂN VỀ THU HÚT FDI"
Dẫu vậy, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành “hấp dẫn” các nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư. Điều này đã được Tổng cục Thống kê chứng minh bằng những con số cụ thể. Trong 5 tháng đầu năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 29,1% tổng số vốn đăng ký cấp mới.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,68 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng số vốn. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 461,3 triệu USD, chiếm 35,3% tổng vốn.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù công nghiệp chế biến chế tạo luôn là ngành đứng đầu về thu hút vốn FDI, nhưng thời gian tới Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận, dựa vào các lợi thế cạnh tranh động (tay nghề người lao động, năng lực sáng tạo và môi trường tự nhiên và kinh doanh, đầu tư thuận lợi), thay vì các lợi thế cạnh tranh tĩnh, kém bền vững như trước đây (tài nguyên, lao động phổ thông, cơ chế ưu đãi dễ dàng và hấp dẫn).
FDI trong công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực dẫn dắt, nhưng doanh nghiệp công nghiệp trong nước mới là nền tảng vững chắc để giúp một quốc gia thoát bẫy thu nhập trung bình.
Theo đó, Việt Nam cần tập trung thu hút FDI vào những nhà đầu tư nước ngoài có thể thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển trong nước; khuyến khích sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn (không chỉ năng lượng, mà cả đất đai, nguồn nước, nguyên liệu thô...); tạo cơ hội để doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi không chèn lấn nhà đầu tư và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thu hút FDI cần có chiến lược và có chọn lọc, tránh tiếp nhận FDI công nghệ thấp vào cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Quan trọng hơn, cần hình thành và phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước vững mạnh, gắn kết chặt chẽ với khu vực FDI và dần gây dựng được lực lượng doanh nghiệp trong nước vững mạnh, có được doanh nghiệp trong nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt và hình thành chuỗi cung ứng trong nước.
Bên cạnh đó, đầu tư FDI từng bước đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác, trong đó có việc khơi dậy các nguồn đầu tư trong nước, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Thời gian tới, với việc hàng loạt các FTA thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực cùng với sự phát triển năng động của nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá.