Bất chấp Covid, giới siêu giàu Trung Quốc tăng mạnh nhất thế giới năm 2020
Chứng khoán là động lực giúp tài sản của giới siêu giàu tăng mạnh trong năm 2020
Báo cáo Wealth Report mới nhất của hãng tư vấn Knight Frank, giới siêu giàu toàn cầu không mấy bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là tại Trung Quốc - nơi chứng kiến số lượng cá nhân siêu giàu tăng mạnh nhất thế giới.
Theo định nghĩa của Wealth Report, đây là những người có tài sản ròng có thể đầu tư trên 30 triệu USD. Nhóm người này tại Trung Quốc tăng 16% trong năm ngoái - mức tăng cao nhất thế giới. Theo sau là Thụy Điển và Singapore với mức tăng lần lượt là 11% và 10%. Ở chiều ngược lại, Hy Lạp chứng kiến số lượng cá nhân giảm hơn 30% trong năm ngoái.
"Số lượng cá nhân siêu giàu tại Trung Quốc đã tăng 137% trong 5 năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm 46% trong 5 năm tới", Martin Wong, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu và tư vấn tại Knight Frank Trung Quốc đại lục, cho biết. "Tới năm 2025, dân số siêu giàu tại nước này sẽ đạt hơn 103.000 người, cao thứ hai thế giới".
Mỹ được dự báo tiếp tục là quốc gia có số lượng người siêu giàu cao nhất thế giới với mức tăng 24% trong 5 năm tới từ con số hơn 180.000 người, Wong cho biết.
Wealth Report cho biết chứng khoán, vốn chiếm khoảng 25% tài sản của giới siêu giàu, là động lực chính giúp tài sản của họ tăng mạnh trong năm 2020. Với việc các chính phủ áp lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại, họ có nhiều thời gian hơn để theo dõi thị trường chứng khoán.
Tháng 3/2020, các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới lao dốc khoảng 30%, nhưng từ đó đến nay đã phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là tại Mỹ. Ví dụ, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng 70%.
"Bất kỳ ai có khả năng xác định đúng thời điểm mua hoặc bán chứng khoán theo những diễn biến của thị trường sẽ được hưởng lợi đáng kể", báo cáo chỉ ra.
Tại Trung Quốc, mặc dù có nhiều người tại đại lục gia nhập "câu lạc bộ" siêu giàu, không có thành phố nào ở đây lọt vào top 10 đô thị giàu nhất thế giới. Một thành phố duy nhất của nước này nằm trong top 10 đô thị giàu nhất là Hồng Kông với vị trí thứ 5. Trong khi đó, Bắc Kinh và Thượng Hải lần lượt xếp vị trí 11 và 14. Dẫn đầu top 10 này là New York (Mỹ) và London (Anh), theo sau là Paris (Pháp).
"Chỉ số Giàu có Đô thị được đưa ra dựa trên nhiều tiêu chí, bao gồm tài sản, đầu tư, các dịch vụ phong cách sống của giới siêu giàu tại những thành phố khác nhau. Các thành phố Trung Quốc đại lục như Bắc Kinh và Thượng Hải nằm trong top 10 về tài sản và phong cách sống, nhưng cả hai lại không có mặt trong top 10 ở tiêu chí đầu tư", Wong cho biết. "Những thành phố trong top 10 đô thị giàu nhất đều dẫn đầu ở cả ba hạng mục này. Tiêu chí đầu tư thấp đồng nghĩa với việc các thành phố này có số lượng doanh nghiệp hàng đầu thế giới đặt làm trụ sở thấp và mức đầu tư nội địa thấp".
Dù Paris luôn được xem là kinh đô xa xỉ của thế giới, trên thực tế Hồng Kông là thành phố có nhiều cửa hàng xa xỉ cao cấp của các thương hiệu hơn, báo cáo chỉ ra. Mặc dù ngành công nghiệp bán lẻ tại Hồng Kông đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc, thành phố này được dự báo sẽ tiếp tục giữ "ngôi vương" trong lĩnh vực bán lẻ cao cấp.