Bất chấp đại dịch, nhiều doanh nghiệp lãi lớn nhờ Covid-19
Đại dịch khiến hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, tuy nhiên, trái ngược lại với bức tranh kinh doanh khá u ám, nhiều doanh nghiệp lại lãi lớn nhờ Covid-19...
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư quay lại Việt Nam với tốc độ siêu lây nhiễm, số ca nhiễm theo ngày liên tục lập kỷ lục riêng ngày 18/7 có gần 6.000 ca trong nước. Dù không thể định lượng chính xác thiệt hại kinh tế gây ra song nhiều con số thống kê đã cho thấy đại dịch đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Theo Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Đại dịch khiến hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, tuy nhiên, trái ngược lại với bức tranh kinh doanh u ám, nhiều doanh nghiệp lại lãi lớn nhờ có Covid-19, đây đều là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoá chất, tẩy rửa, dược phẩm, y tế, chăm sóc sức khoẻ…
LÃI LỚN “NHỜ” DỊCH COVID-19
Đại dịch Covid-19, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tăng cao đã giúp doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, dược phẩm tiếp tục khởi sắc. Báo cáo tài chính quý 2/2021 của nhiều doanh nghiệp dược phẩm và thiết bị y tế, chỉ tiêu lợi nhuận và doanh thu đều tăng mạnh so với quý 1/2021 và cùng kỳ năm 2020.
Đơn cử, “ông lớn” Dược Hậu Giang ghi nhận 948 tỷ đồng doanh thu thuần và 201 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 16% và 8% so cùng kỳ. Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, hô hấp, thuốc tăng đề kháng tại mạng lưới phân phối rộng khắp nước đóng góp doanh số lớn cho doanh nghiệp này. Ngoài ra, dòng sản phẩm chăm sóc sức khoẻ như rửa tay khô giúp phòng chống đại dịch Covid cũng mang lại tăng trưởng doanh thu cho DHG. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, DHG ghi nhận 1,965 tỷ đồng doanh thu thuần và 405 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 17% và 12% so cùng kỳ.
Một doanh nghiệp khác trong ngành là Traphaco (TRA) cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu lợi nhuận lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế và các doanh nghiệp khác. Traphaco hiện có nhiều dòng sản phẩm phòng dịch như chùm nước súc miệng sát khuẩn, ống uống tăng sức đề kháng, thuốc nhỏ mắt mũi…Quý 2/2021, TRA ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 556,6 tỷ đồng, tăng 22%, lợi nhuận sau thuế 68,7 tỷ đồng, tăng 40,2%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 1.028 tỷ đồng tăng 21%, lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ đồng, tăng 37%. Năm 2021, Traphaco đặt mục tiêu doanh thu 2.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng, như vậy 6 tháng đầu năm, Traphaco thực hiện 52% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Dược phẩm Hà Tây (DHT) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý 2 đạt 458 tỷ đồng, tăng 16%, lãi trước thuế hơn 20 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực hoá chất, tẩy rửa, Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (DGC) - hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp chất tẩy rửa, hoá chất tinh khiết, hoá chất công nghiệp vừa thông báo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu 2.038,5 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 495 tỷ đồng, tăng 30%. Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 9% xuống 32,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 43% về còn 20,8 tỷ đồng, chi phí quản lý giảm 13% song chi phí bán hàng lại tăng gần gấp đôi lên 122,3 tỷ đồng.
Lãi sau thuế quý 2 của DGC đạt 333 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 3.988 tỷ đồng doanh thu và 625 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và 33% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, DGC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 7.552 tỷ đồng tăng 21%, trong đó các sản phẩm như phốt pho vàng đạt 3.240 tỷ đồng tăng 10%; bột giặt và chất tẩy rửa 134 tỷ đồng, tăng 54%, các hoá chất khác cũng tăng mạnh…Lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.100 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020, cổ tức dự kiến 30%. Như vậy, sau hai quý đầu năm, Hóa chất Đức Giang thực hiện 53% chỉ tiêu doanh thu và 67% chỉ tiêu lợi nhuận.
Một doanh nghiệp khác là Đạm Phú Mỹ cũng ghi nhận doanh thu mảng hoá chất cơ bản tăng cao trong đó chủ yếu là nhờ Ammonia (NH3, dùng để làm chất tẩy rửa gia dụng, điều chế phân đạm) tăng giá cao trong thời gian gần đây.
6 tháng đầu năm 2021, DPM đã cung cấp được khoảng 36 ngàn tấn ammonia ra thị trường (tăng 11% so cùng kỳ), sản lượng kinh doanh UFC85 đạt tương đương cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, doanh thu mảng hóa chất ước tăng trưởng 70% và lợi nhuận mảng hóa chất ước tăng gần gấp 4 lần so cùng kỳ.
Trong báo cáo DPM mới đây, VDSC ước tính lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ sẽ tăng đột biến 96,4% so với cùng kỳ lên 605 tỷ đồng trong quý 2/2021. Loại trừ khoản thu nhập bất thường này, lãi sau thuế đạt 499 tỷ đồng, tăng 62%.
TRIỂN VỌNG SẮP TỚI RA SAO?
Theo đánh giá của giới chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với chủng mới siêu lây nhiễm, kể từ tháng 4/2021 đến nay, số ca nhiễm theo ngày liên tục lập kỷ lục, mỗi ngày trung bình có khoảng 4.000 ca lây nhiễm, trong khi tốc độ chiêm vaccin tại Việt Nam còn chậm. Vì vậy, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ với các loại thuốc và sản phẩm tăng sức đề kháng phòng chữa bệnh, chất tẩy rửa, khử trùng còn cao. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hoá rõ rệt giữa hai nhóm ngành này trong thời gian tới
Cụ thể, đối với mảng dược phẩm, y tế, chăm sóc sức khoẻ, trong dài hạn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Bởi thực tế, chưa kể đến khi dịch Covid-19 bùng phát làm tăng đột biến nhu cầu dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khoẻ thì đây vẫn là một ngành sở hữu nhiều tiềm năng phát triển.
Số liệu từ Chứng khoán Phú Hưng cho thấy, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2022 và 42.9 tỷ USD vào năm 2028, được thúc đẩy bởi: Tốc độ già hóa dân số nhanh, tình trạng ô nhiễm môi trường khiến người dân quan tâm đến các vấn đề sức khỏe nhiều hơn. Mức độ thâm nhập Internet chiếm 2/3 dân số làm cho việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ dàng hơn. Mức sống ngày càng cải thiện khiến tầng lớp trung lưu và thượng lưu sẵn sàng chi mạnh cho sức khoẻ.
Thị trường dược phẩm của Việt Nam hiện có quy mô khoảng 7.4 tỷ USD với 22,000 loại thuốc. Theo dự báo của Fitch Solution, thì tăng trưởng ngành dược Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 8.7%.
Đối với nhóm hoá chất tẩy rửa, theo Chứng khoán VCBS, sắp qua giai đoạn tăng trưởng cao của ngành. Nguyên nhân là do sản phẩm thiết yếu như hóa chất tẩy rửa phụ thuộc nhiều vào yếu tố cơ cấu dân số. Cơ cấu dân số của Việt Nam được dự đoán sẽ trải qua thời kỳ dân số già hóa và cuối thời kỳ dân số vàng từ 2025. Thị trường chất tẩy rửa trong giai đoạn này sẽ đứng dưới áp lực đào thải do cạnh tranh và không thể tăng trưởng.
Trong 2 quý cuối năm 2021 và quý đầu năm 2022, VCBS cho rằng tăng trưởng ngành chất tẩy rửa sẽ chậm lại mặc dù tăng trưởng GDP có thể quay trở lại mức 6 – 7%. Nguyên nhân là do sản phẩm nước rửa tay đã đóng góp lớn trong tăng trưởng toàn ngành năm 2020 sẽ ngày càng đi xuống theo tình hình dịch bệnh, đặc biệt là khi tỷ lệ tiêm chủng vaccin tăng cao. VCBS dự phóng tăng trưởng toàn ngành đạt tăng trưởng 2% so với cùng kỳ trong năm 2021.