11:05 04/06/2019

Bất chấp sóng gió, dòng tiền ngoại không ngừng chảy vào chứng khoán Việt

Bạch Huệ

Tính tổng cả hai sàn HNX và HOSE, trong 5 tháng đầu năm nay, khối ngoại mua ròng tổng cộng 9.037 tỷ đồng

Chứng khoán Việt vẫn đón nhận dòng vốn ngoại mới.
Chứng khoán Việt vẫn đón nhận dòng vốn ngoại mới.

Khối ngoại vẫn liên tiếp mua ròng số lượng lớn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt biến động mạnh. 

Lời cảnh báo "Sell in May" đã phần nào thẩm thấu trong tháng 5 khi chứng khoán Việt liên tục giảm điểm những ngày cuối tháng 5. VN-Index giảm 2,02% trong khi HNX-Index giảm 2,89% so với tháng trước.

Khối ngoại mua ròng hơn 9.000 tỷ

Theo thống kê, trong tháng 5, khối ngoại thực hiện mua vào 450,5 triệu cổ phiếu, trị giá 23.505 tỷ đồng, trong khi bán ra 467 triệu cổ phiếu, trị giá 19.495 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 16,7 triệu cổ phiếu, nhưng nếu tính về giá trị khối ngoại mua ròng lên đến 4.010 tỷ đồng.

Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 3.797 tỷ đồng (gấp 5,7 lần so với tháng 4), tương ứng khối lượng mua ròng 4,9 triệu cổ phiếu. Nếu tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng trên HOSE đạt 9.328 tỷ đồng.

Đây là một chỉ báo tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt biến động mạnh và đang trong xu hướng giảm ở những tháng giữa năm 2019.

Nếu tính từ tháng 9 năm 2018, đây là tháng mua ròng thứ 9 của khối ngoại trên HOSE với tổng giá trị mua ròng đạt hơn 21.200 tỷ đồng.

Các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh đó là VIC, BVH, PLX, HVN… Trong đó đột biến nhất ở VIC do SK Group mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình là 113.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch khoảng 23.300 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ USD.

Ở sàn HNX, khối ngoại bán ròng trở lại khoảng 270 tỷ đồng. Tính trong 5 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng 293 tỷ đồng trên HOSE.

Tính tổng cả hai sàn HNX và HOSE, trong 5 tháng đầu năm nay, khối ngoại mua ròng tổng cộng 9.037 tỷ đồng.

Ngoài lượng tiền mua trực tiếp trên sàn chứng khoán, dòng vốn ngoại còn rất tích cực trong hình thức mua lại cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp Việt với giá trị kỷ lục. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 7,65 tỷ USD, tăng 280% so với cùng kỳ 2018.

Luật chứng khoán sửa đổi mở cánh cửa cho room ngoại

Nếu Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này sẽ góp phần giải bài toán vốn ngoại với chứng khoán Việt.

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi nổi bật lên vấn đề về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Theo dự thảo, ngoại trừ các trường hợp có quy định riêng, room ngoại tại các doanh nghiệp niêm yết là 100%.

Đối với pháp luật hiện hành (Nghị định 60/2015/NĐ-CP) cho phép các công ty không thuộc các ngành kinh doanh có điều kiện có thể chủ động xin nới room lên 100%. Tuy nhiên, thực tế từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP được ban hành cho đến nay, trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có hơn 30 doanh nghiệp chính thức nới room lên mức 100%. Điều này cho thấy mặc dù quy định khá mở, nhưng trên thực tế đã không giúp cải thiện đáng kể yếu tố room ngoại như thị trường kỳ vọng trước đó.

Thực tế trên sàn chứng khoán, những doanh nghiệp làm ăn bài bản, tăng trưởng ổn định và vốn hóa, giá trị giao dịch đủ lớn, rất được nhà đầu tư ngoại ưa thích hiện đã kín room. Do vậy, nếu thực sự Luật Chứng khoán sửa đổi được ban hành giúp số doanh nghiệp có room ngoại ở mức 100% tăng mạnh, dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đột biến.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á nhận định, dự luật chứng khoán mới trong năm 2019 sẽ tiếp tục được sửa đổi và trình Quốc hội theo tiêu chí nâng dần các tiêu chuẩn để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện để thị trường chứng khoán Việt Nam hội nhập với chứng khoán quốc tế.

"Theo lộ trình, dự luật sẽ được đưa ra thảo luận trong kỳ Đại hội thứ nhất trong năm 2019 vào tháng 5/2019, sau đó sẽ sửa đổi bổ sung và chính thức ban hành vào kỳ họp của Quốc hội vào tháng 10-11/2019. Việc triển khai đúng lộ trình sẽ giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm hơn với cam kết hội nhập và cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell trong tháng 9/2019", báo cáo nêu.

Đặc biệt, cùng với căng thẳng leo thang trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng Việt Nam sẽ phần nào được hưởng lợi trong xu thế dịch chuyển ngành sản xuất. Thay vì đầu tư FDI từ khâu xin phép, lập dự án mất rất nhiều thủ tục, các nhà đầu tư ngoại có thể đi tắt đón đầu bằng cách mua cổ phần, góp vốn vào các công ty Việt có sẵn. Đó cũng là lý do vốn đầu tư FDI thông qua góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp tăng mạnh thời gian qua.