18:00 21/12/2022

Bất thường trong thu và chi ngân sách TP. Hồ Chí Minh, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 3.300 tỷ

Trâm Anh

Qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 tại TP. Hồ Chí Minh, Kiểm toán nhà nước khu vực IV kiến nghị xử lý tài chính 3.294,6 tỷ đồng và chỉ rõ những hạn chế trong thu ngân sách, chỉ tiêu thu nợ, giải ngân vốn đầu tư công thấp, thiếu sót trong chi thường xuyên tại địa phương này...

Nhiều bất cập trong chi đầu tư khiến giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh năm 2021 đạt tỷ lệ 62%, thấp hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước.
Nhiều bất cập trong chi đầu tư khiến giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh năm 2021 đạt tỷ lệ 62%, thấp hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước.

Cụ thể, Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh.

ĐỂ LỌT NHIỀU DOANH NGHIỆP KÊ KHAI THUẾ SAI

Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, việc xây dựng kế hoạch kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế chưa đảm bảo một số tiêu chí tại ứng dụng phần mềm phân tích thông tin rủi ro của người nộp thuế, quy trình kiểm tra thuế.

Đồng thời, chưa thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về áp dụng quản lý rủi ro để phân loại và xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế phục vụ công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong quản lý hoàn thuế.

Một số doanh nghiệp thuộc trường hợp kiểm tra sau hoàn thuế theo quy định chưa được Cục Thuế kiểm tra, thanh tra sau hoàn trong thời hạn 1 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế; quản lý nợ thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu thu nợ được giao.

Đáng nói, về quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, còn tình trạng các khu đất đang được các tổ chức sử dụng nhưng chưa được xác định nghĩa vụ tài chính, do các sở ngành chưa xác định giá đất; các khu đất chưa có quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất; hoặc hết hạn hợp đồng thuê đất đang tạm xác định nghĩa vụ tài chính theo bảng giá đất hàng năm.

Về tuân thủ Luật và chế độ thu tại các đối tượng nộp thuế, kết quả kiểm tra, đối chiếu 281 doanh nghiệp có 239 doanh nghiệp sai sót, chưa kịp thời trong việc chấp hành kê khai, nộp thuế. 

 

Qua phần mềm phân tích thông tin rủi ro của người nộp thuế, kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 276,5 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ 23,9 tỷ đồng, giảm số lỗ doanh nghiệp kê khai 556,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 9 doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu phục vụ cho công tác đối chiếu thuế vi phạm quy định tại Điều 68 Luật Kiểm toán nhà nước, 2 doanh nghiệp có hoạt động mua bán xăng dầu nhưng không có giấy phép kinh doanh theo quy định.

Ngoài ra, qua rà soát hồ sơ kê khai giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19, có 352 doanh nghiệp kê khai không đúng đối tượng được giảm theo quy định, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp bổ sung 7,7 tỷ đồng.

TẠM DỪNG LOẠT DỰ ÁN KHÔNG CÂN ĐỐI ĐƯỢC VỐN 

Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, Kiểm toán nhà nước cho rằng về trình tự, thủ tục lập và phân bổ, kế hoạch đầu tư công trung hạn không thể hiện một số chỉ tiêu, không phân loại dự án theo thời gian thực hiện được quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công.

Cùng với đó, chưa tổ chức và thực hiện thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn của sở, ban, ngành thuộc thẩm quyền theo đúng quy định tại Điều 55 Luật Đầu tư công mà chỉ tổ chức rà soát tham mưu cho UBND thành phố.

"Chưa bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với dự án trọng điểm, có tính chất kết nối liên vùng theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 973/NQ-UBTVQH ảnh hưởng đến việc chuẩn bị đầu tư dự án và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn", Kiểm toán nhà nước nêu rõ bất cập.

Việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đối với 5 dự án trọng điểm sử dụng vốn ODA, 4 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ và các dự án chuyển tiếp chưa bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành.

 

Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án trong 2 giai đoạn đầu tư công, 2016-2020 và 2021-2025 chưa xác định và cân đối được nguồn vốn, dẫn tới khi xây dựng kế hoạch đầu tư công 2021-2025 có 148 dự án đã có quyết định phê duyệt dự án không cân đối được nguồn vốn nên đề xuất tạm dừng chưa tiếp tục triển khai, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Công tác lập, thẩm định, phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 chưa tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục lập và thẩm định kế hoạch đầu tư công, thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn.

Cũng theo Kiểm toán nhà nước, TP. Hồ Chí Minh giao kế hoạch vốn cho 93 dự án nhưng sau đó không cân đối được nguồn vốn phải tạm dừng thực hiện.

Cùng với đó đã phân bổ kế hoạch vốn cho 2.666 dự án trước khi có quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện, chưa tuân thủ quy định; hay bố trí kế hoạch vốn năm 2021 cho 1.307 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 có thời gian bố trí vốn quá thời gian quy định.

Như vậy, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công của thành phố giải ngân đạt 62%, thấp hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước và thấp hơn tỷ lệ các chủ đầu tư đã đăng ký với UBND thành phố.

Trong đó, 414 dự án được bố trí kế hoạch vốn 2.335 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân; 73 dự án tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30% kế hoạch vốn năm 2021 được giao, số vốn còn lại phải hủy bỏ 8.787 tỷ đồng; 532 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của thành phố, với giá trị kế hoạch vốn không được giải ngân 9.471 tỷ đồng.

Trong quản lý dự án đầu tư còn thực hiện chưa đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Qua kiểm toán chi tiết các dự án, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 134,6 tỷ đồng và kiến nghị khác 29,1 tỷ đồng. 

Công tác thanh toán, tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng chưa kịp thời thu hồi số vốn đầu tư tạm ứng đã quá thời hạn thu hồi theo quy định; tổng số dư tạm ứng quá hạn đến 31/01/2022 của 173 dự án 1.754,2 tỷ đồng.

BẤT CẬP CHI THƯỜNG XUYÊN

Cũng theo Kiểm toán nhà nước, công tác chi thường xuyên của TP. Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập cần khắc phục.

Về công tác lập và giao dự toán, các cấp ngân sách khi giao dự toán chưa giảm trừ dự toán chi hoạt động đối với số lượng biên chế giảm; giao dự toán kinh phí chi tăng thu nhập theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố chưa theo thứ tự ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện theo quy định.

Trong thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, công tác quản lý, điều hành địa phương còn một số vướng mắc.

Trong thực hiện cơ chế tài chính đặc thù theo Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội, đến nay một số nội dung triển khai chậm so với kế hoạch, chưa đạt được mục tiêu đề ra và trong điều kiện thành phố đã thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, cần tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới phù hợp với cơ chế chính quyền đô thị.

Nguồn cải cách tiền lương ngân sách bố trí năm 2021 còn một số tồn tại. Đó là: thành phố giao dự toán cho các đơn vị dự toán và các quận, huyện cân đối chi thường xuyên và chi tăng thu nhập theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND chưa theo thứ tự ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện theo quy định.

"Qua kiểm toán, căn cứ theo số liệu tại ngày 31/7/2022 xác định cấp thừa nguồn cải cách tiền lương các quận, huyện là 1.938 tỷ đồng; chưa thu hồi kịp thời nguồn 10% tiết kiệm của các đơn vị dự toán về ngân sách các cấp theo quy định tại Thông tư số 109/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính", báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Lĩnh vực chi các dịch vụ công ích đô thị còn tồn tại, hạn chế, hầu hết các quận, huyện được kiểm toán chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa phù hợp; chưa thực hiện đầu thầu hoặc thực hiện đấu thầu chậm so với chủ trương của thành phố và quy định của Chính phủ; xây đơn giá dự toán để thực hiện đấu thầu chưa phù hợp quy định.

Về nợ chính quyền địa phương, giải ngân vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ giải ngân trong năm 2021 là 1.339,7 tỷ đồng, chỉ đạt 15% tổng kế hoạch vốn đầu tư giao trong năm. Qua kiểm toán tổng hợp, còn tồn tại dự án có Hiệp định vay và hợp đồng vay lại đã được ký kết từ các năm trước nhưng chưa thực hiện rút vốn theo kế hoạch giải ngân, lũy kế đến thời điểm 31/12/2021, ngân sách Thành phố đã trả các khoản phí cam kết 42,9 tỷ đồng.

Về kế toán và quyết toán ngân sách, qua kiểm toán cho thấy, TP. Hồ Chí Minh vẫn tồn đọng số dư tạm ứng ngoài dự toán bằng lệnh chi tiền, chưa thu hồi kịp thời theo quy định tại  Điều 6 Luật Ngân sách nhà nước 22.603,8 tỷ đồng. 

Về thực hiện chính sách xã hội hoá lĩnh vực giáo dục, dạy nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2021, thành phố chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho mục đích xã hội hóa; chưa báo cáo tình hình thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển xã hội hoá lĩnh vực giáo dục của địa phương và gửi các Bộ quản lý chuyên ngành để tổng hợp theo quy định.

Thành phố không có danh mục xã hội hoá để công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia danh mục các dự án kêu gọi xã hội hoá, làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án như quy định...