16:10 27/07/2009

Beeline: “Chúng tôi không muốn thành nhà mạng giá rẻ”

Mạnh Chung

Đại diện một số mạng di động lớn đã bày tỏ sự lo ngại gói cước Big Zero của Beeline sẽ "phá vỡ" thị trường viễn thông Việt Nam

Ông Alexey Blyumin.
Ông Alexey Blyumin.
Nhiều người từng nghi ngờ về khả năng cạnh tranh khi gia nhập thị trường của Beeline, mạng di động thứ 7 tại Việt Nam, cũng như của mạng Vietnamobile trước đó, khi mà những “ông lớn” của viễn thông Việt Nam được xem là đã chiếm lĩnh gần hết thị phần.

Tuy nhiên, khi Beeline chính thức cung cấp dịch vụ ra thị trường với gói cước được gọi là "vô địch rẻ" mang tên Big Zero, cho phép miễn phí gọi nội mạng từ phút thứ 2 trong thời gian tối đa 20 phút, trong đó không giới hạn số cuộc gọi miễn phí, đại diện một số mạng di động lớn đã bày tỏ sự lo ngại gói cước này sẽ "phá vỡ" thị trường viễn thông Việt Nam.

Phản hồi với VnEconomy trước vấn đề trên, ông Alexey Blyumin, Tổng giám đốc Gtel Mobile - đơn vị quản lý mạng Beeline - nói:

- Mặc dù là một “lính mới” trong thị trường viễn thông Việt Nam, nhưng chúng tôi muốn cạnh tranh một cách công bằng và bằng khả năng thực sự của mình.

Gói cước của Beeline chỉ miễn phí từ phút thứ 2 đối với các cuộc gọi nội mạng. Như vậy, nó sẽ không làm ảnh hưởng đến các mạng di động khác cũng như sẽ không "phá vỡ" thị trường viễn thông Việt Nam. Chúng tôi không muốn trở thành nhà mạng giá rẻ tại Việt Nam, mà muốn trở thành nhà mạng hấp dẫn tại thị trường Việt Nam.

Theo tôi được biết thì mức độ thâm nhập mạng di động của Việt Nam hiện nay là 85%. Con số này không phải là quá quan trọng, vì thực tế ở nhiều thị trường chúng tôi đã từng đầu tư, con số đã lên tới 90-100% nhưng chúng tôi vẫn rất thành công. Tôi cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam tuy đã rất phát triển, nhưng vẫn còn rất tiềm năng và có nhiều cơ hội cho chúng tôi, vì số lượng thuê bao ảo vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Liệu trước mắt, các ông sẽ dùng chính sách giảm mạnh cước để thu hút thị phần?

Với ưu thế là một thương hiệu quốc tế đã thành công tại tám quốc gia khác trên thế giới, chúng tôi tự tin có thể thu hút khách hàng bằng hình thức giá cước hợp lý và những dịch vụ tốt nhất thích hợp với mọi đối tượng tiêu dùng.

Nhưng liệu dùng chính sách giá này có đủ “sức mạnh” để thu hút thị phần khi mà chất lượng mạng và dịch vụ của các mạng lớn đã rất tốt?

Đầu tư vào thị trường viễn thông Việt Nam, chúng tôi sẽ tận dụng mọi ưu thế và những kinh nghiệm đã có từ những thị trường khác.

Giá cước là một trong những ưu thế cạnh tranh của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng sẽ không ngừng nâng cao chất lượng để có thể cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam những dịch vụ tốt nhất.

Thị trường Việt Nam là một cơ hội kinh doanh tốt, đồng thời cũng là một thử thách cho chúng tôi. Những "cuộc chơi" như vậy mới thú vị và đòi hỏi tính cạnh tranh cao.
 
Tại sao khi ra mắt, Beeline mới chỉ phủ sóng ở Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM, trong khi đây là những thị trường đã có lượng "phủ sóng" thuê bao di động rất lớn?

Chúng tôi đã thực hiện các cuộc điều tra thị trường, theo đó phần lớn người dân Việt Nam không đi lại quá nhiều mà tập trung vào một số khu vực chiến lược, các thành phố lớn. Do vậy, trong thời gian đầu, chúng tôi cố gắng đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại các khu vực này, nơi có mật độ giao dịch cao.

Tất nhiên chúng tôi sẽ nhanh chóng triển khai phủ sóng toàn quốc trong thời gian ngắn.

Vậy khi nào thì Beeline sẽ phủ sóng ra toàn quốc?

Trong giai đoạn đầu, dịch vụ Beeline mới chỉ  ra mắt tại các tỉnh thành lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM với số dân hơn 15 triệu người. Đến cuối năm 2009, chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới phủ sóng đến hơn 40 tỉnh thành khác trong cả nước, bao phủ lượng dân số khoảng 41 triệu người. Và dự kiến năm 2010 sẽ phủ sóng ra toàn quốc.

Đâu là mục tiêu ngắn hạn cũng như lâu dài của Beeline tại Việt Nam, thưa ông?

Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2009 sẽ đạt từ 2- 4% thị phần. Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động với tiêu chuẩn quốc tế.