09:39 05/01/2022

Bệnh viện ở Mỹ trước nguy cơ quá tải vì kỷ lục hơn 1 triệu ca nhiễm Covid mỗi ngày

Phương Linh

Mỹ vừa lập kỷ lục với số ca nhiễm mới trong ngày lên tới hơn một triệu ca. Bình quân 7 ngày qua, nước này có khoảng 98.000 người nhập viện vì Covid-19, tăng 32% so với tuần trước đó...

Mỹ lập kỷ lục thế giới với 1 triệu ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 3/1 - Ảnh: AP
Mỹ lập kỷ lục thế giới với 1 triệu ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 3/1 - Ảnh: AP

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lan nhan khắp nước Mỹ, quốc gia này vừa ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca nhiễm mới trong ngày.

Cụ thể, trong ngày 3/1, Mỹ có tổng cộng 1.082.549 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm kể từ khi đại dịch bùng phát của nước này lên 56.189.547 ca. Đại dịch đã khiến ít nhất 827.748 người tử vong tại Mỹ.

Theo Bloomberg, con số kỷ lục trên một phần so việc tạm hoãn báo cáo số ca nhiễm trong kỳ nghỉ vào cuối tuần. Nhiều bang của Mỹ đã không báo cáo số ca nhiễm trong ngày 31/12/2021 và 1/1/2022, và nhiều bang khác không báo cáo dữ liệu vào dịp cuối tuần. Điều này đồng nghĩa trong số hơn 1 triệu ca nhiễm nói trên, một phần có thể là các ca dương tính Covid-19 được xét nghiệm từ các ngày trước đó.

SỐ CA NHIỄM TĂNG NHANH CHƯA TỪNG THẤY

Tuy nhiên, tính tới ngày 3/1, số ca nhiễm mới bình quân 7 ngày tại Mỹ là 480.273 ca – mức cao nhất thế giới, theo dữ liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Còn theo dữ liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ, bình quân 7 ngày qua, Mỹ có khoảng 98.000 người nhập viện vì Covid-19, tăng 32% so với tuần trước đó. Con số này đang tiệm cận mức nhập viện cao điểm 103.000 người vào đầu tháng 9 năm ngoái, nhưng thấp hơn mức gần 137.000 ca vào mùa đông năm 2020.

Trong tuần tính tới ngày 3/1, Mỹ ghi nhận bình quân khoảng 1.200 ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày. Con số này thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục hơn 3.000 ca trong mùa nghỉ lễ đầu năm 2021.

 

Omicron đang khiến số ca nhiễm tăng chưa từng thấy và với tốc độ này, các bệnh viện sẽ sớm quá tải.

LARRY HOGAN, THỐNG ĐỐC BANG MARYLAND

Trong những tuần gần đây, Mỹ chứng kiến làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron với đặc tính lây lan nhanh và “đánh bật” biến thể Delta trở thành chủ đạo tại quốc gia này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) ngày 4/1 cho biết Omicron chiếm 95,4% số ca nhiễm tại Mỹ trong ngày 1/1.

Thống đốc Maryland, Larry Hogan, ngày 4/1 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày và huy động 1.000 Vệ binh Quốc gia tham gia vào các hoạt động ứng phó với đại dịch khi số ca Covid-19 nhập viện tại bang này đạt mức kỷ lục hơn 3.000 người – tăng 500% trong 7 ngày qua.

“Thực tế là 4-6 tuần tới sẽ là thơi gian thử thách nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Các dự báo mới nhất của chúng tôi tính đến ngày hôm nay cho thấy số ca Covid-19 nhập viện có thể lên tới hơn 5.000 ca, tăng 250% so với mức đỉnh 1.952 ca vào năm ngoái của chúng tôi”, ông Hogan nói với báo chí ngày 4/1.

Còn ở bang Kentucky, nơi ghi nhận 6.915 ca nhiễm mới – con số trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, Thống đốc Andy Beshear thúc giục người dân tiêm vaccine và đeo khẩu trang.

"Omicron đang khiến số ca nhiễm tăng chưa từng thấy và với tốc độ này, các bệnh viện sẽ sớm quá tải”, ông Beshear viết trên Twitter.

Các cơ quan chức năng của Mỹ đã liên tục thúc giục người dân nước này đi tiêm vaccine và tiêm vaccine tăng cường do quan ngại về biến thể mới.

TIẾP TỤC GIÁN ĐOẠN CUỘC SỐNG VÀ NỀN KINH TẾ

Số ca nhiễm gia tăng do Omicron đã khiến hàng nghìn chuyến bay tại Mỹ bị hủy trong kỳ nghỉ lễ vừa qua và khiến nhiều doanh nghiệp, trường học cân nhắc đóng cửa tạm thời. Một số ngân hàng lớn tại Phố Wall đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà trong vài tuần đầu tiên của tháng 1.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy vaccine Covid-19 kém hiệu quả hơn trước Omicron so với biến thể Delta và các biến thể trước đây. Tuy nhiên, các nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng việc thêm mũi tăng cường – mũi thứ ba với các loại vaccine có liệu trình tiêm hai mũi – giúp tăng đáng kể lượng kháng thể chống lại Omicron

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/1 cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta. Tuy nhiên, các quan chức y tế công cộng đã cảnh báo rằng số lượng lớn các ca nhiễm Omicron có thể gây quá tải các bệnh viện. Nhiều bệnh viện tại Mỹ đã phải vật lộn để ứng phó với làn sóng bệnh nhân Covid-19 mới, trong đó chủ yếu là người chưa tiêm vaccine.

Theo Burbio - một trang web chuyên theo dõi tình trạng gián đoạn trường học, số ca nhiễm gia tăng liên tục đã khiến hơn 3.200 trường học phải đóng cửa trong tuần này. Các trường vẫn mở cửa đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên và những lo ngại mới về sự lây lan của virus.

Các trường vẫn mở cửa tại Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên và những lo ngại mới về sự lây lan của virus - Ảnh: Getty Images
Các trường vẫn mở cửa tại Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên và những lo ngại mới về sự lây lan của virus - Ảnh: Getty Images

Trong bối cảnh đó, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chốt hợp đồng mua 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 và dự định phân phối miễn phí cho người dân, Nhà Trắng cho biết ngày 4/1. Động thái này nhằm giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung khiến nhiều người phải xếp hàng dài để chờ được xét nghiệm. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng đã tăng gấp đôi đơn đặt hàng thuốc điều trị Covid-19 dạng viên của hãng dược Pfizer lên tổng cộng 20 triệu viên.

Các quan chức y tế Mỹ nhấn mạnh rằng việc tiêm vaccine mũi cơ bản và tăng cường vẫn là cách tối ưu nhất để ngăn chặn tình trạng bệnh trở nặng.

CDC Mỹ ngày 4/1 đã khuyến nghị rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 và mũi 3 của vaccine Pfizer/BioNTech từ 6 tháng xuống còn 5 tháng, một ngày sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có động thái tương tự.

Theo các chuyên gia, kể cả khi người nhiễm biến thể Omicron ít có nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong hơn, biến thể này vẫn đe dọa gián đoạn nghiêm trọng cuộc sống thường nhật cũng như nền kinh tế Mỹ trong những tuần tới.