Bí thư Đà Nẵng: "Không còn sớm khi đặt ra văn hoá từ chức"
Đặt vấn đề văn hoá từ chức, theo Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh là rất chính xác
Đặt ra văn hoá từ chức lúc này cũng không phải là sớm, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh khi phát biểu kết thúc phiên thảo luận tại kỳ họp thứ ba của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, sáng 7/12.
Trước đó, khi định hướng phiên thảo luận, Bí thư - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Xuân Anh cũng đề cập dư luận nhân dân về môt số lĩnh vực có tiêu cực, phải "bôi trơn" cho cán bộ thì mới được việc...
Không có ý kiến đề cập thẳng địa chỉ tham nhũng, tiêu cực, song có vị đại biểu "phê" một số báo cáo trình tại kỳ họp còn nể nang khi không nêu rõ địa chỉ còn để xảy ra những hạn chế, yếu kém. Và vị này đề nghị đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời phải thực hiện văn hoá từ chức.
Đặt ra vấn đề này, theo Bí thư Đà Nẵng là rất chính xác. Nếu ở cơ quan có vấn đề gì thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm do anh quản lý, quán xuyến công việc không tốt.
Thông tin là Chính phủ đang giao cho Bộ Nội vụ soạn thảo luật liên quan đến văn hoá từ chức, Bí thư Đà Nẵng nêu hai ví dụ về việc này.
39 tuổi, làm Thủ tướng hai năm rưỡi, khi phát biểu từ chức ông Thủ tướng Ý còn cười vui vẻ, ông Nguyễn Xuân Anh nêu ví dụ thứ nhất.
Ví dụ thứ hai là Thủ tướng New Zealand - người mà Bí thư Xuân Anh mới gặp ở một sự kiện quốc tế , khi về nước thì hay tin ông ấy đã từ chức rất nhẹ nhàng sau 8 năm làm Thủ tướng.
"Mình chưa có văn hoá đó, tôi không nói các đồng chí phải làm như thế nhưng văn hoá từ chức đặt ra không phải là sớm" - Bí thư Đà Nẵng phát biểu.
Vẫn liên quan đến công tác cán bộ, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng vai trò thủ lĩnh của các sở, ngành cần phải rõ hơn. Ông Xuân Anh cũng nhắc lại lời một đại biểu là có chức thì phải có quyền, có trách nhiệm. Theo Bí thư, điều đó là quá đúng và có văn hoá từ chức thì lại càng chính xác.
Ông cũng lưu ý cấp dưới giảm báo cáo bằng văn bản, không cần phải họp nhiều, xin ý kiến nhiều mà cần tăng tính chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, thấy đúng là làm.
Tính chuyện hạn chế phương tiện cá nhân
Phát biểu định hướng thảo luận, Bí thư Đà Nẵng đề nghị các đại biểu nêu giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông, tiến tới hạn chế xe cá nhân.
Theo một số vị đại biểu thì nguy cơ ùn tắc giao thông của thành phố này đã rất cao, khi mà nếu dàn đều thì có tới 960 phương tiện trên 1km đường. Mặt khác, khoảng cách các nút giao thông lại quá gần cản trở phát triển giao thông công cộng. Đại biểu đề nghị cần cắt giảm phương tiện cá nhân, không chỉ xe máy mà cần hạn chế cả ôtô.
Bí thư Nguyễn Xuân Anh cho biết vừa rồi thành phố cũng đã đầu tư cho việc giảm ùn tắc, như điều chỉnh các nút, làm hầm chui, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Đề cập đến biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, ông Xuân Anh nhắc đến một cách được Trung Quốc thực hiện khá hiệu quả. Đó là áp dụng hình thức như chơi xổ số, ai trúng mới được mua xe. Có gia đình chờ đợi đến 4 - 5 năm cũng không được mua.
Với Đà Nẵng, bí thư Xuân Anh gợi ý có thể tính thử , chẳng hạn 1 năm chỉ được đăng ký mới 10 ngàn chiếc ô tô, và áp dụng như chơi xổ số, ai trúng thì được mua.
Còn với xe máy thì có thể nghiên cứu quy định, ví dụ một gia đình 3 người trở lên mới được mua 1 chiếc, 6 người được mua hai chiếc.
Kẹt xe là nỗi ám ảnh của nhiều thành phố lớn, nếu không làm ngay thì không kịp, ông Xuân Anh nói.