12:03 22/11/2008

Bị thu hồi đất, thiệt đủ đường

Huyền Ngân

Do thiếu vốn, các địa phương đang gặp vô số khó khăn trong việc sắp xếp tái định cư cho người dân bị thu hồi đất

Thực trạng chung hiện nay tại các đô thị là các dự án phát triển đô thị có giá bồi thường về đất thấp, sau khi bồi thường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xong thì giá đầu ra của một số loại đất như đất ở, dịch vụ, thương mại... lại cao gấp nhiều lần - Ảnh: Việt Tuấn.
Thực trạng chung hiện nay tại các đô thị là các dự án phát triển đô thị có giá bồi thường về đất thấp, sau khi bồi thường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xong thì giá đầu ra của một số loại đất như đất ở, dịch vụ, thương mại... lại cao gấp nhiều lần - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong một buổi toạ đàm về quản lý và sử dụng đất tại đô thị - thực chất là cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo của các địa phương với đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường - được tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề tạo công ăn việc làm cho người lao động bị thu hồi hết đất sản xuất nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, trong khi chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động quá thấp (1.000 đồng/m2).

Ông Phạm Chí Dũng, Phó chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) nhận định: cơ chế, chính sách về giao đất cho nhà đầu tư, chính sách về bồi thường hỗ trợ tái định cư, nhất là giá đất bồi thường chưa phù hợp.

Thực trạng chung hiện nay tại các đô thị là các dự án phát triển đô thị có giá bồi thường về đất thấp, sau khi bồi thường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xong thì giá đầu ra của một số loại đất như đất ở, dịch vụ, thương mại... lại cao gấp nhiều lần, tỉ số chênh lệch địa tô rất lớn; đa số có lợi cho nhà đầu tư, còn Nhà nước và người dân có đất đều chịu thiệt, nhất là người dân có đất bị thu hồi, người đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển của đô thị lại không còn đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định để đảm bảo cuộc sống.

Ông Trần Xuân Hải, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa (Đắc Nông) cho rằng việc tái định cư theo nguyên tắc hiện hành không thực hiện được, việc tái định canh rất khó khăn, cần phải sửa đổi quy định cho phù hợp với thực tiễn để đảm bảo tính khả thi.

Vấn đề giải quyết lao động và việc làm cho người bị thu hồi đất, đặc biệt là nông dân không còn đất hoặc còn ít đất sản xuất đang là vấn đề bức xúc. Ngoài các chính sách hỗ trợ như hiện nay nên thành lập các quỹ hỗ trợ, giải quyết việc làm, quỹ đào tạo chuyển đổi ngành nghề ổn định đời sống cho người bị thu hồi đất.

Ngổn ngang khó khăn cho người tái định cư

Cũng theo đánh giá của các địa phương, do thiếu vốn nên việc triển khai đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung ở các địa phương còn chậm, không đồng bộ, các công trình phúc lợi công cộng đều thiếu. Việc tái định cư cho các hộ gia đình bị thu hồi đất thực hiện còn chắp vá và thụ động. Việc hỗ trợ về đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân đã được bố trí vào sống, sản xuất tại các khu, các điểm tái định cư rất hạn chế.

Nơi ở mới tại khu tái định cư có điều kiện hạ tầng kinh tế, xã hội thường thấp hơn nơi cũ. Chất lượng nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, xuống cấp nhanh chóng. Cuộc sống và sản xuất của các hộ gia đình trong các khu tái định cư chưa có đủ điều kiện để ổn định và còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu là nguồn lực tài chính dành cho tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án rất hạn chế. Trong khi đó, để tái định cư thành công, cần dự tính và dành đủ đất để định cư cho người dân, đồng thời phải chuẩn bị nguồn tài chính mạnh.

Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc để nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư không đảm bảo chất lượng, xuống cấp thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và các tổ chức, đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Lãnh đạo Bộ cũng thừa nhận: Luật Đất đai năm 2003 quy định nguyên tắc khu tái định cư phải có điều kiện phát triển “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Tuy nhiên việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án trong thời gian qua thực hiện chưa tốt. Phần lớn các dự án có thực hiện thu hồi đất ở chưa có khu tái định cư hoặc có khu tái định cư nhưng chưa xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, không đảm bảo điều kiện tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ nên dân không chịu di dời, làm chậm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian qua.

Giải pháp nào?

Để giải quyết vấn đề trên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh phải lập quy hoạch tổng thể và thực hiện xây dựng các khu tái định cư tập trung đồng bộ về hạ tầng trước khi quyết định thu hồi đất nhằm đảm bảo ổn định nơi ở và đời sống của người dân bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, theo đại biểu của các địa phương, thực hiện vấn đề này không phải đơn giản vì thực tế quỹ nhà đất phục vụ cho việc bố trí tái định cư còn rất thiếu. Tại các địa phương gần như đều không có đủ quỹ nhà đất để phục vụ tái định cư tương xứng với kế hoạch thu hồi đất để thực hiện các dự án tại địa bàn.

Song do thiếu vốn, nhiều địa phương đã đề nghị dành khoảng 20 - 30% quỹ đất tái định cư cho đấu giá để lấy tiền hỗ trợ xây dựng khu tái định cư.Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: khoản 4, điều 33, Luật đất đai quy định thì không được sử dụng quỹ đất tái định cư để đấu giá quyền sử dụng đất.

Để lấy tiền hỗ trợ cho việc xây dựng các khu tái định cư thì có thể dành 20 - 30% quỹ đất quy hoạch xây dựng nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất ở hoặc các dự án nhà ở.

Song muốn giải quyết triệt để vấn đề trên thì phương án tái định cư phải công khai lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt và xây dựng khu tái định cư; thành lập các doanh nghiệp Nhà nước sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc huy động vốn qua kênh tín dụng, phát hành cổ phiếu để đầu tư xây dựng các khu tái định cư; có chính sách ưu đãi các thành phần doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu tái định cư...