Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nới lỏng, nhưng tuyệt đối không lơi lỏng
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được hoạt động trở lại cần chủ động, tự giác thực hiện nghiêm, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phương châm “5K”…
Ngày 21/6, sau khi xin ý kiến của Thường trực Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố đã ra văn bản cho phép mở cửa lại một số dịch vụ từ 0h, ngày 22/6.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xem xét, quyết định thận trọng trên cơ sở thực tế, nới lỏng nhưng tuyệt đối không được lơi lỏng. Thành phố sẽ nới lỏng từng dịch vụ, dịch vụ nào thiết yếu, an toàn mở trước; vừa làm vừa đánh giá an toàn để mở thêm các dịch vụ khác.
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4/2021 đến nay diễn biến rất phức tạp, khó lường. Hà Nội là một trong những nơi có nhiều ca bệnh.
“Chúng ta mới bước đầu kiểm soát được dịch. Tình hình diễn biến trên cả nước và các tỉnh xung quanh vẫn rất phức tạp. Hà Nội lại là trung tâm giao lưu, trao đổi... Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 còn rất cao”.
Bí thư Thành ủy
Đinh Tiến Dũng
Nhưng bằng kinh nghiệm và nỗ lực vượt bậc, thành phố đã chủ động thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây, cách ly “3 lớp”.
Nhờ đó, 16 chùm ca bệnh đã được khống chế và kiểm soát; 97/106 điểm phong tỏa đã được gỡ bỏ. 7 ngày qua, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng...
Kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan, Hà Nội đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố đã nỗ lực thực hiện tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không để gián đoạn sản xuất. 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước.
Bí thư Thành ủy cho biết, đồng ý về chủ trương và giao cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xem xét và quyết định cụ thể việc cho hoạt động trở lại một số dịch vụ, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã yêu cầu các cấp, các ngành thành phố phải quán triệt, thực hiện nghiêm Kết luận số 07-KL/TƯ ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội”, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố; tiếp tục coi phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; tuyệt đối không được thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được.
Cấp ủy các cấp từ thành phố xuống cơ sở, nhất là người đứng đầu phải tiếp tục chủ trì và chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; không vì nới lỏng mà lơi lỏng nhiệm vụ này. Quá trình thực hiện quy định mới phải gắn liền các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.
Theo Bí thư Thành ủy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được hoạt động trở lại cần chủ động, tự giác thực hiện nghiêm, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phương châm “5K”; có trách nhiệm giám sát, tuyên truyền để mọi nhân viên, khách hàng tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.
Các cơ sở dịch vụ chưa được mở cửa trở lại hoặc chỉ được bán hàng mang về tiếp tục xác định việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng mà còn là bảo vệ chính bản thân, gia đình mình.
Nhấn mạnh quan điểm mục tiêu cao nhất của thành phố là bảo vệ an toàn sức khoẻ và tính mạng người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kêu gọi nhân dân thành phố tiếp tục đồng hành, ủng hộ chủ trương, chính sách, quy định của thành phố; phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, sẵn sàng hy sinh những lợi ích trước mắt, của bản thân vì mục tiêu chung, vì an toàn cho mình, gia đình mình và cả xã hội. Đây là nghĩa cử cao đẹp, là biểu hiện của bản chất văn hiến, anh hùng rất đáng tự hào của Thăng Long - Hà Nội.