14:21 31/01/2022

Biến chủng mới BA.2 lây lan nhanh gấp 1,5 lần Omicron

Ngọc Trang

Lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ và Nam Phi vào cuối tháng 12/2021, chủng BA.2 hiện đã có mặt tại gần 50 quốc gia trên tất cả lục địa trên thế giới và đang trở nên phổ biến tại các nước như Ấn Độ, Đan Mạch và Thụy Điển...

Chưa có bằng chứng cho thấy BA.2 có tính chất nguy hiểm hơn so với Omicron - Ảnh: Getty Images
Chưa có bằng chứng cho thấy BA.2 có tính chất nguy hiểm hơn so với Omicron - Ảnh: Getty Images

Theo một nghiên cứu của Statens Serum Institut - tổ chức giám sát bệnh truyền nhiễm tại Đan Mạch, BA.2 - biến chủng phụ xuất hiện từ một đột biến của biến chủng Omicron (còn gọi là BA.1) - có khả năng lây lan nhanh gấp 1,5 lần so với Omicron. Bản thân Omicron cũng được sinh ra từ một đột biến của chủng Delta.

Lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ và Nam Phi vào cuối tháng 12/2021, chủng BA.2 hiện đã có mặt tại gần 50 quốc gia trên tất cả lục địa trên thế giới và đang trở nên phổ biến tại các nước như Ấn Độ, Đan Mạch và Thụy Điển. Trong vài tuần qua, BA.2 đã thay thế Omicron trở thành biến chủng chủ đạo tại Đan Mạch

Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ, hiện chưa có bằng chứng cho thấy BA.2 có tính chất gây bệnh nguy hiểm hơn so với Omicron. Theo người phát ngôn Kristen Nordlund của CDC Mỹ, biến chủng mới này hiện đang lưu hành ở mức thấp tại Mỹ. Tính tới ngày 29/1, BA.2 đã xuất hiện tại gần một nửa số bang tại Mỹ với tổng số ca nhiễm trên cả nước này là 127 ca.

Troels Lillebaek, chủ tịch ủy ban của quốc gia giám sát các biến thể của Covid của Đan Mạch, cho biết BA.2 và Omicron có nhiều điểm khác biệt trong các đột biến ở những vị trí quan trọng. BA.2 có hơn 20 đột biến, trong đó một nửa là ở protein gai - bộ phận virus sử dụng để bám vào tế bào người, chìa khóa giúp mầm bệnh xâm nhập cơ thể. Các đột biến trên phần protein gai này, được gọi là vùng liên kết thụ thể, thường là nguyên nhân khiến cho biến chủng có khả năng lây lan mạnh.

Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, BA.2 có lợi thế lớn hơn đáng kể so với biến chủng Omicron. Biến thể này lây lan nhanh hơn nhiều Omicron ở tất cả cùng của Anh. Theo cơ quan này, BA.2 "đáng kể" so với omicron ban đầu.

Tuy nhiên, một đánh giá sơ bộ của Cơ quan An ninh Y tế Anh, biến thể phụ này có vẻ không làm giảm thêm hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa các triệu chứng của Covid-19. Việc tiêm mũi vaccine nhắc lại có hiệu quả tới 70% trong việc ngăn ngừa triệu chứng của BA.2, so với hiệu quả 63% chống biến chủng Omicron.

Dẫn một nghiên cứu sơ bộ từ Ấn Độ và Đan Mạch, ong Tom Peacock, chuyên gia virus của Đại học Hoàng gia London nhận định mức độ nghiêm trọng triệu chứng của BA.2 không khác biệt nhiều so với Omicron.

"Tôi cho rằng BA.2 sẽ không gây tác động đáng kể đến làn sóng Omicron đang hoành hành. Một số quốc gia đang ở gần hoặc thậm chí đã vượt qua đỉnh dịch. Tôi sẽ khá ngạc nhiên nếu BA.2 gây ra làn sóng dịch bệnh thứ hai ở thời điểm này. Kể cả với khả năng truyền nhiễm cao, chủng này sẽ không gây tác động nhiều như Delta hay Omicron. Có thể nó sẽ lây lan chậm chạp và tinh vi hơn", ông Peacock nói thêm.

Chủng BA.2 hiện đã có mặt tại gần 50 quốc gia trên tất cả lục địa trên thế giới và đang trở nên phổ biến tại các nước như Ấn Độ, Đan Mạch và Thụy Điển - Ảnh: AP
Chủng BA.2 hiện đã có mặt tại gần 50 quốc gia trên tất cả lục địa trên thế giới và đang trở nên phổ biến tại các nước như Ấn Độ, Đan Mạch và Thụy Điển - Ảnh: AP

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng đáng lo ngại và hiện không phân biệt giữa Omicron và dòng phụ BA.2 của nó. Tuy nhiên, các quan chức của WHO đã nhiều lần cảnh báo rằng khi Omicron lan rộng khắp thế với tốc độ chưa từng có sẽ xuất hiện thêm các biến chủng mới. Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, tuần trước cảnh báo rằng những biến chủng sau đó sẽ có khả năng lây lan mạnh hơn.

“Biến chủng đáng lo ngại tiếp theo sẽ dễ lây lan hơn bởi vì nó đã vượt qua được những biến chủng đang lưu hành”, bà Van Kerkhove nói. “Câu hỏi lớn đặt ra là liệu các biến chủng trong tương lai có gây bệnh nặng hơn hay không”.

Theo ông Lillebaek của Đan Mạch, hiện vẫn chưa có đủ dữ liệu để xác định liệu BA.2 có thể gây tái nhiễm cho những người từng nhiễm Omicron hay không. Tuy nhiên, việc nhiễm virus trước đó có thể mang lại hiệu quả miễn dịch nhất định trước BA.2.

Đầu tuần này, hai hãng dược Mỹ Pfizer và Moderna đều đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng với vaccine dành riêng cho biến chủng Omicron trong bối cảnh nhiều chuyên gia lo ngại rằng các biến chủng mới sẽ xuất hiện khi hiệu quả của vaccine ban đầu giảm dần theo thời gian.

Tại Đan Mạch, số ca nhiễm mới Covid-19 ngày càng tăng mạnh. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Đan Mạch, riêng trong ngày 29/1, quốc gia 5,8 triệu dân này ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm mới. Số ca nhập viện mới tại Đan Mạch tăng lên 12 ca lên tổng cộng 967 ca dương tính. Ông Lillebaek nhấn mạnh rằng có đủ cơ sở để tin rằng BA.2 đang khiến số ca nhiễm mới của nước này tăng nhanh. Tuy nhiên, ông cho rằng mức tăng số ca nhập viện này nằm trong khả năng xử lý của hệ thống y tế. Hiện tại, 80% dân số Đan Mạch đã được tiêm vaccine đầy đủ và 60% đã tiêm mũi nhắc lại.

“Nếu bạn đang sống trong một cộng đồng hoặc một quốc gia có tỷ lệ vaccine thấp, chắc chắn bạn sẽ chứng kiến số ca nhập viện và số ca bệnh nặng cần chăm sóc đặc biệt tăng lên”, ông nói.