Biến mít thành “thịt lợn”, cổ phiếu công ty Thái Lan tăng gấp đôi ngày chào sàn
Các công ty sản xuất thực phẩm Thái Lan đang đặt cược vào xu hướng “thịt” có nguồn gốc thực vật
Các công ty sản xuất thực phẩm Thái Lan đang đặt cược vào xu hướng "thịt" có nguồn gốc thực vật đang nổi lên ở nước này và trên thị trường quốc tế. Họ xem đây là một cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai, Bloomberg cho hay.
Theo hãng tin này, xuất khẩu thực phẩm là một trong số ít những lĩnh vực của Thái Lan có được sự tăng trưởng trong đại dịch Covid-19. Chính phủ Thái Lan muốn đưa nước này thành một trung tâm sản xuất thực phẩm, và "thịt" thực vật có thể giúp Thái Lan đạt được mục tiêu đó.
Một trong những công ty thực phẩm Thái Lan đang phát triển nhanh hiện nay là NR Instant Produce Pcl. Công ty xuất khẩu thực phẩm này bắt đầu sản xuất protein từ thực vật vào năm 2016 bằng cách biến mít thành "thịt lợn".
Tháng 10 này, NR đã huy động được khoảng 1,6 tỷ Baht, tương đương 51,4 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Giới đầu tư háo hức đến mức cổ phiếu NR tăng gấp đôi trong phiên chào sàn hôm 9/10. Công ty hiện đang mở rộng các cơ sở sản xuất ở Mỹ, Trung Quốc và Thái Lan.
"Việc người tiêu dùng ngày càng chú trọng sức khỏe đang là một xu hướng lớn. Tiềm năng tăng trưởng của công ty là rất lớn", Tổng giám đốc (CEO) Danai Pathomvanich của NR phát biểu. Ông Danai cho biết khoảng 7% doanh thu của công ty đến từ các sản phẩm "thịt" làm từ thực vật và con số này dự kiến tăng lên 30% trong vòng 4 năm.
NR không phải là công ty Thái Lan duy nhất bắt xu hướng "thịt" làm từ thực vật. Charoen Pokphand Foods Pcl (CP), nhà sản xuất thịt lớn nhất Thái Lan và thuộc sở hữu của một trong những gia tộc lớn nhất nước này, đang nghiên cứu sản xuất thịt từ protein đậu nành. Một trong những công ty lọc hóa dầu lớn nhất Thái Lan, Bangchak Corp Pcl, cũng có kế hoạch nhảy vào lĩnh vực "thịt" thực vật.
Một báo cáo của MarketsandMarkets dự báo thị trường "thịt" làm từ thực vật toàn cầu sẽ đạt doanh số 27,9 tỷ USD vào năm 2025, tăng gấp đôi so với mức 12,1 tỷ USD vào năm ngoái. Bắc Mỹ và châu Âu hiện đang là hai thị trường chính, nhưng nhu cầu gia tăng từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Nam Mỹ được cho sẽ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng.
Ở Thái Lan, xu hướng sử dụng các loại "thịt" làm từ thực vật đang nổi lên nhanh chóng, một phần nhờ mạng xã hội. Hàng năm, hàng triệu người Thái Lan ở quốc gia mà đạo Phật là tôn giáo chính này không ăn thịt động vật trong suốt 9 ngày của lễ hội ăn chay. Năm nay, lễ hội ăn chay Thái Lan bắt đầu vào ngày 17/10. Ngoài ra, nhiều người Thái Lan cũng có xu hướng ăn chay lâu hơn và thường xuyên hơn.
"Một trong những dẫn chứng tiêu biểu nhất cho việc Thái Lan đón nhận phong cách sống thực dưỡng chính là việc ngày càng có nhiều doanh nhân Thái Lan đưa ra các sản phẩm từ thực vật", Mika Apichatsakol - chủ một nhà hàng thuần chay ở Bangkok - phát biểu.
"Chúng tôi đã đạt tới giai đoạn mà người Thái tự sản xuất các sản phẩm của mình và không còn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ phương Tây đắt đỏ nữa", bà Mika nói. "Đó là một nhân tố thay đổi cuộc chơi, có nghĩa là ‘thịt’ từ thực vật dành cho tất cả mọi người".