Biểu tình rầm rộ có thể đẩy Hồng Kông vào khủng hoảng kinh tế
Liệu Hồng Kông có thể vượt qua thách thức này để giữ vững vị thế một trung tâm tài chính an toàn và đáng tin cậy?
Khủng hoảng chính trị chưa từng có tiền lệ của Hồng Kông đang có nguy cơ đẩy trung tâm tài chính của châu Á vào khủng hoảng kinh tế.
Sân bay Hồng Kông tê liệt trong ngày thứ Hai, khi có khoảng 5.000 người biểu tình tập trung tại đây. Trước đó, phong trào biểu tình của Hồng Kông đã trải qua cuối tuần thứ 10 liên tiếp, với bạo lực ngày càng gia tăng, đụng độ ngày càng dữ dội giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát.
Theo hãng tin Bloomberg, một rủi ro lớn đặt ra trong ngắn hạn là nền kinh tế Hồng Kông có thể rơi vào một cuộc suy thoái. Biểu tình cùng với thương chiến Mỹ-Trung đang khiến doanh thu bán lẻ của Hồng Kông lao dốc, gây sức ép lên thị trường bất động sản, và khiến thị trường chứng khoán 4,9 nghìn tỷ USD của Hồng Kông trải qua những phiên chao đảo mạnh.
Trong quý 2, kinh tế Hồng Kông giảm 0,3% so với quý 1. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Hồng Kông trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Lượng giao dịch bất động sản tháng 7 giảm 35%, doanh thu bán lẻ sụt giảm tháng thứ 5 liên tiếp.
"Chúng tôi dự báo kinh tế Hồng Kông sẽ rơi vào suy thoái", chuyên gia Iris Pang của ING nhận định.
Tuy nhiên, một mối lo còn lớn hơn là liệu Hồng Kông có thể vượt qua thách thức này để giữ vững vị thế một trung tâm tài chính an toàn và đáng tin cậy. Sẽ là một thiệt hại không thể khắc phục đối với Hồng Kông nếu vùng lãnh thổ này không giữ được uy tín của cửa ngõ chính giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Nếu trở thành sự thật, sẽ là một đòn "chí mạng" đối với kinh tế Hồng Kông - nhiều chuyên gia nhận định.
"Trong dài hạn, điều này đặt ra thử thách mang tính nền tảng đối với địa vị của Hồng Kông là trung tâm tài chính quốc tế", chuyên gia kinh tế Rory Green của TS Lombard phát biểu.
Hồng Kông từng vượt qua những cuộc khủng hoảng lớn, bao gồm khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990 và đại dịch SARS vào năm 2003.
Tuy nhiên, phát biểu hôm thứ Sáu tuần trước, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam nói rằng phong trào biểu tình đang đe dọa kinh tế Hồng Kông còn nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng tài chính và dịch SARS. Bà Lam cũng cho biết chính quyền Hồng Kông đang cân nhắc triển khai các biện pháp mạnh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc đại lục đang thể hiện quan điểm ngày càng cứng rắn với biểu tình ở Hồng Kông. Người phát ngôn Yang Guang của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau thuộc Chính phủ Trung Quốc nói rằng người biểu tình đã phạm phải nhiều tội danh nghiêm trọng vào có dấu hiệu "khủng bố".
Cho dù Hồng Kông có tránh được những kịch bản tồi tệ nhất, thì sức hấp dẫn của vùng lãnh thổ này có lẽ đã giảm xuống đối với nhiều công ty và nhà đầu tư quốc tế - ông Brock Silvers, Giám đốc điều hành Kaiyuan Capital, nhận định.
Phong trào biểu tình là "một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với kinh tế Hồng Kông trong nhiều thập kỷ gần đây", ông Silvers nói. "Bất ổn tiếp diễn chắc chắn sẽ khiến các điểm đến khác, như Singapore, trở nên hấp dẫn hơn".
Cũng với cái nhìn bi quan, chuyên gia Jim Cramer của hãng tin CNBC thậm chí cho rằng phong trào biểu tình ở Hồng Kông có thể khiến đẩy thế giới vào suy thoái kinh tế. Theo ông Cramer, biểu tình ở Hồng Kông nghiêm trọng hơn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
"Nếu bạn muốn biết thứ gì có thể đẩy thế giới vào suy thoái, thì tôi xin nói đó là Hồng Kông bị đóng cửa", ông Cramer phát biểu, nhấn mạnh vị thế trung tâm tài chính châu Á của vùng lãnh thổ này.