“Big 4” vẫn nóng chuyện tăng vốn
Kiến nghị tăng vốn là đề xuất nhiều năm của lãnh đạo các ngân hàng này
Câu chuyện mong tăng vốn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) tiếp tục được nhắc tới trong hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021.
Tại đây, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, trong suốt 4 năm tái cơ cấu ngành, 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank đã phát huy vai trò chủ đạo, chủ lực.
Theo đó, các ngân hàng này luôn đi đầu trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, kéo giảm lãi suất.
Đồng thời, đầu tư phát triển cân đối các vùng miền, thực hiện tốt công tác an sinh – xã hội, trách nhiệm với cộng đồng, cùng toàn ngành ngân hàng phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.
Và để tiếp lực tài chính, vốn điều lệ của Big 4 đã được cải thiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Tú, sự cải thiện đó chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam vốn có tốc độ tăng trưởng cao.
Nêu ví dụ cụ thể tại chính ngân hàng mình, vị Chủ tịch này chia sẻ, hiện nay vốn điều lệ tại BIDV đạt 40.200 tỷ đồng lớn nhất hệ thống, nhưng hệ số an toàn vốn (CAR) mới chỉ đạt chuẩn an toàn theo Basel 2.
Vì vậy, BIDV đề nghị Chính phủ cũng như các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng việc chi trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu.
Tương tự, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cũng mong muốn được phê duyệt phương án tăng tăng vốn điều lệ cho Agribank và các ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước cho thời gian 5 năm để tránh bị động, đáp ứng được nhu cầu hoạt động.
“Sắp tới mặc dù được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng nhưng sau khi phân phối lợi nhuận 8.900 tỷ đồng của năm 2019 thì CAR của Agribank chỉ còn 8,6% và nếu tính đúng theo Thông tư 41 thì chỉ còn 7%, thấp hơn mức quy định 9%. Như vậy, trong năm 2021 Agribank không thể tăng trưởng tín dụng mà còn phải giảm”, ông Ấn cho biết.
Bên cạnh đó, ông Ấn cho rằng, trước mắt kính đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp khẩn cấp là áp dụng hệ số rủi ro 50% đối với cho vay cá nhân, hộ gia đình cho vay không thế chấp tài sản đến 200 triệu đồng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP.
Được biết, cũng do liên quan đến vấn đề vốn mà nhóm Big 4 đang mất dần thị phần về nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân.
Cụ thể, theo số liệu của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các ngân hàng thương mại nhà nước đang niêm yết (gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank) chiếm khoảng 34% thị phần tín dụng. Tuy nhiên, những ngân hàng này lại ghi nhận kết quả tương đối kém trong những năm gần đây.
Trường hợp đáng chú ý nhất là VietinBank khi thị phần tín dụng của ngân hàng đã giảm 1,96 điểm phần trăm trong hai năm tính đến cuối quý 3/2020. Trong cùng thời gian trên, thị phần BIDV giảm 0,7 điểm phần trăm và thị phần của Vietcombank giảm 0,08 điểm phần trăm.
VDSC cho biết, trong 2,74 điểm điểm phần trăm thị phần tín dụng mà các ngân hàng này đã mất, bốn ngân hàng tư nhân lớn nhất về giá trị vốn hóa thị trường là Techcombank, VPBank, MBBank và ACB, giành được 1,58 điểm phần trăm.
Riêng trong 9 tháng đầu năm nay, thị phần của các ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm 0,81 điểm phần trăm trong khi bốn ngân hàng tư nhân lớn nhất chứng kiến mức tăng 0,74 điểm phần trăm.
“Mức trần tăng trưởng tín dụng hạn chế do nền tảng vốn mỏng là nguyên nhân khiến tăng trưởng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước thấp hơn bình quân ngành. Điều này xuất phát từ dư địa hạn chế trong việc pha loãng tỷ lệ sở hữu Nhà nước”, nhóm nghiên cứu tại VDSC nhấn mạnh.