Bill Gates, Elon Musk và loạt CEO Mỹ tới Trung Quốc tìm cơ hội
Ngày 16/6, tỷ phú Bill Gates, người đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, đã có chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trong vòng 4 năm và gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình...
Theo Nikkei Asia, thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn phương Tây đổ tới Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh tại quốc gia tỷ dân. Điều này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu có những bước tiến để hàn gắn mối quan hệ căng thẳng đôi bên.
Trong số này có tỷ phú Bill Gates, người đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, người có chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trong vòng 4 năm vào ngày 16/6 vừa qua. Trong chuyến thăm này, ông đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc giải quyết các thách thức về phát triển và sức khỏe trên toàn cầu, như bất bình đẳng y tế và biến đổi khí hậu; cũng như về vai trò của Trung Quốc trong việc đạt được những bước tiến cho mọi người”, ông Gates chia sẻ về cuộc gặp trên trang blog cá nhân.
Chuyến thăm của ông Gates diễn ra không lâu trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Quốc nhắm thúc đẩy quan hệ song phương.
Năm 2022, Microsoft kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Trung Quốc. Dù hiện không còn tham gia điều hành, ông Gates vẫn tiếp tục dành nhiều nỗ lực để giảm thiểu tác động của căng thẳng Mỹ - Trung tới hoạt động của công ty.
Trước ông Gates, tỷ phú công nghệ Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla cũng có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc trong vòng ba năm vào cuối tháng 5. Hiện khoảng 40% công suất xe điện của Tesla đến từ nhà máy đặt tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc gặp với Tần Cương, ông Musk nói rằng “Tesla phản đối việc phân ly và chia cắt chuỗi cung ứng. Và Tesla sẵn sàng tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc”.
Chuyến thăm của ông Gates và ông Musk diễn ra sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ các hạn chế phòng dịch Zero Covid với người nước ngoài vào đầu năm nay - động thái giúp thúc đẩy hoạt động đi lại của giới kinh doanh, nhà đầu tư tới Trung Quốc.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm 2022, thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc tăng khoảng 4% lên gần 690 tỷ USD. Đây là con số cao nhất trong vòng 4 năm sau khi sụt giảm mạnh do đại dịch.
Dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt hạn chế thương mại với Trung Quốc liên quan tới chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác, các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới trong những lĩnh vực khác tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong chuyến thăm tới Thượng Hải hồi tháng 5, ông Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase cho biết ngân hàng đầu tư hàng đầu Mỹ không có ý định rời khỏi Trung Quốc.
“Khi làm ăn tại một quốc gia, chúng tôi biết chắc sẽ trải qua thăng trầm ở đó”, ông nói.
Năm 2021, JPMorgan trở thành tổ chức tài chính nước ngoài đầu tiên được cấp phép sở hữu 100% một công ty chứng khoán tại Trung Quốc. Bất chấp bất ổn ngày càng tăng lên ở thị trường Trung Quốc, phí hoa hồng môi giới tại đây vẫn có sức hút lớn đối với nhà băng Mỹ.
Những tháng gần đây, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Mỹ khác như ông Tim Cook (CEO Apple), ông Cristiano Amon (CEO Qualcomm) và Pat Gelsinger (CEO Intel) cũng có chuyến thăm Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng nhiệt tình “trải thảm đỏ” để tiếp đón với việc sắp xếp cuộc gặp cho họ với các quan chức hàng đầu trong Chính phủ.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chật vật phục hồi sau đại dịch, Bắc Kinh đang xem đầu tư nước ngoài và công nghệ là những yếu tố the chốt để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định và giúp ứng phó với những nỗ lực đẩy quốc gia này ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu của phương Tây.
Bên cạnh Mỹ, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, như ông Peter Wennink (CEO công ty sản xuất thiết bị chip ASML của Hà Lan) và ông Jean-Marc Chery (CEO công ty bán dẫn STMicroelectronics của Thụy Sỹ) cũng đã có chuyến công tác tới Trung Quốc trong vài tháng gần đây. Hôm 7/6, TMicroelectronics thông báo kế hoạch hợp tác với một đối tác Trung Quốc để xây dựng nhà máy tại thành phố Trùng Khánh.
Hồi tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới thăm Trung Quốc cùng một đoàn đại biểu gồm lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Pháp, trong đó có Airbus. Nhà sản xuất máy bay hàng hàng đầu châu Âu đã đạt được thỏa thuận để xây dựng một dây chuyền sản xuất mới tại thành phố Thiên Tân và được cấp phép bàn giao 160 máy bay.
Mùa thu năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng có chuyến thăm Trung Quốc cùng một đoàn doanh nghiệp. Đáp lại, hôm 20/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp tới Đức trong chuyến thăm chính thức.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phương Tây vẫn tỏ ra lo ngại rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài và đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho "công xưởng của thế giới".
Công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital của Mỹ đã quyết định chia tách hoạt động của mình tại Trung Quốc. Công ty này hiện nắm cổ phần tại Bytedance, công ty mẹ của nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok.
Còn hãng dược Anh AstraZeneca đang cân nhắc dừng hoạt động tại Trung Quốc, theo Financial Times. Cùng với đó, nhiều công ty công nghệ, trong đó có Apple, đang mở rộng chuỗi cung ứng ra khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục.