09:16 06/11/2007

Bình ổn giá: Khi nhà phân phối vào cuộc

Hồng Thoan

Việc góp phần bình ổn giá của các nhà phân phối, bán lẻ vẫn phải phụ thuộc vào chính sách về giá của nhà sản xuất

Thời gian này, giá cả nhiều mặt hàng vẫn đang có xu hướng leo thang.
Thời gian này, giá cả nhiều mặt hàng vẫn đang có xu hướng leo thang.

Đứng từ góc độ nhà phân phối, bán lẻ, các doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ chủ trương kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng của Chính phủ và các bộ, ngành. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái, các nhà sản xuất luôn nằm ở giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Vì vậy, việc góp phần bình ổn giá của các nhà phân phối, bán lẻ vẫn phải phụ thuộc vào chính sách về giá của nhà sản xuất.

Do đó, giải pháp hữu ích nhất của các nhà phân phối hiện nay là đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung cấp để có được mức giá hợp lý nhất khi sản phẩm cung ứng đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động cân đối giữa nguồn hàng trong nước và nguồn hàng nhập khẩu để có thể hạ giá bán ở mức tối đa.

Có trách nhiệm bình ổn giá tiêu dùng

Là một trong những tổng công ty lớn của Tp.HCM có hệ thống phân phối lớn, năm nào Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) cũng được UBND Tp.HCM giao nhiệm vụ góp phần bình ổn giá tiêu dùng. Hiện nay, UBND thành phố đã có những văn bản chỉ đạo và Saigon Co.op cũng đã chuẩn bị và báo cáo đầy đủ với UBND thành phố về kế hoạch dự trữ hàng Tết cũng như kế hoạch khai trương mở rộng mạng lưới các cửa hàng của Saigon Co.op từ nay đến cuối năm.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) chia sẻ: “Để góp phần duy trì bình ổn giá, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp, tôi lấy ví dụ trong suốt tháng 9 vừa qua, trong hệ thống Co.op Mart đã duy trì thường xuyên các hoạt động tháng bán hàng khuyến mãi và tháng người tiêu dùng hàng Việt Nam chất lượng cao.

Trước hết, chúng tôi đàm phán với các nhà cung cấp đề nghị không tăng giá trong thời gian đó. Đồng thời, chúng tôi cũng cam kết ngược lại, nếu nhà cung cấp nào không tăng giá thì chúng tôi sẽ bảo đảm tăng gấp 2 hoặc gấp 3 lần sản lượng (thông qua chương trình có 97 doanh nghiệp tham gia thì tất cả các doanh nghiệp này đều được chúng tôi ký cam kết tham gia bình ổn giá hoặc tham gia khuyến mãi nhưng chuyển tất cả các hình thức khuyến mãi sang thành khuyến mãi qua giá), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm...

Thứ hai, chúng tôi đưa ra một nguyên tắc, nếu tốc độ tăng giá được nhà cung cấp chứng minh được những nguyên nhân tăng giá là hợp lý thì bản thân Saigon Co.op sẽ tiết giảm một phần lợi nhuận để đảm bảo cho tốc độ tăng giá của chúng tôi luôn luôn thấp hơn tốc độ tăng giá của nhà sản xuất”.

Kiểm soát giá cả, kiểm tra giá niêm yết

Thời gian này, giá cả nhiều mặt hàng vẫn đang có xu hướng leo thang, bên cạnh nguyên nhân biến động của thị trường thế giới với giá dầu tăng mạnh, giá nguyên liệu đầu vào cũng như giá nhập khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng cao thì một phần khác nữa là do Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu lên mức cao hơn kể từ tháng 1/2008 đã gây ra tâm lý tăng giá bán hàng tiêu dùng.

Ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, các cơ quan chức năng điều hành thị trường, quản lý giá cả cần thiết phải xây dựng những chiến lược dài hạn và ngắn hạn. Chẳng hạn, về chiến lược ngắn hạn, có thể điều chỉnh thuế nhập khẩu để hạ giá tiêu dùng. Về lâu dài, cần xây dựng những vùng nguyên liệu dự trữ phục vụ cho sản xuất trong nước.

Theo đề xuất của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), để có thể bình ổn thị trường, giá cả các mặt hàng trọng yếu từ nay đến hết năm 2007, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường tự do, kiểm tra việc niêm yết giá bán.

Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc chuẩn bị lượng hàng hoá và tài chính cung ứng cho các nhà sản xuất để đáp ứng được giá thành ổn định. Chẳng hạn như rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, giãn thời gian nộp thuế VAT và thuế nhập khẩu khi nhập khẩu hàng hoá, linh hoạt trong phê duyệt bù trừ VAT giữa các doanh nghiệp...

“Một trong những chính sách hỗ trợ thiết thực nhất cho các nhà phân phối, theo đề xuất của Hapro, là hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hoặc bằng 0 để các doanh nghiệp giảm giá thành, chủ động dự trữ hàng hoá từ rất sớm để tránh đột biến khan hiếm hàng hoá, tạo điều kiện bình ổn giá cả từ nay đến Tết Nguyên đán 2008”, ông Chu Xuân Kiên, Phó tổng giám đốc của Hapro cho biết.

Để tạo thế chủ động, Hapro cũng đã lên kế hoạch dự trữ hàng hoá phục vụ trong dịp Tết Mậu Tý 2008. Theo kế hoạch của Hapro và báo cáo kế hoạch của các đơn vị thành viên, khả năng cung ứng hàng hoá cho thị trường sẽ tăng từ 18 - 30% so với năm 2007. Hapro dự kiến, tổng doanh thu toàn Tổng công ty trong dịp Tết sẽ đạt 340 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện Tết Đinh Hợi 2007.

Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện triệt để hơn nữa các nhóm giải pháp kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và quản lý giá các mặt hàng đang có xu hướng tăng cao để tránh tình trạng các doanh nghiệp độc quyền về giá, định giá không hợp lý, đầu cơ nâng giá.

Kết quả kiểm tra tại một số đơn vị trực thuộc Hapro cho thấy về cơ bản, các đơn vị đã chấp hành quy định về niêm yết. Thực hiện kiểm tra xác suất một số mặt hàng về nguồn gốc sản xuất, nhập hàng cho thấy phần lớn hàng bán được nhập ở trong nước và nhập của các nhà sản xuất có uy tín, chưa phát hiện về sai phạm trong việc nhập hàng bán không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.