12:16 24/03/2022

Bình Phước: Các địa phương mạnh tay xử lý những vi phạm liên quan đến đất nông nghiệp

Thanh Xuân

Vừa qua khi địa bàn tỉnh Bình Phước bùng phát nhiều trường hợp cưa cắt cây trồng trên đất, san ủi mặt bằng và tự ý mở đường giao thông khi chưa được phép, hoặc đăng tin sai sự thật về dự án trên đất nông nghiệp, các địa phương tỉnh này đã rất mạnh tay xử lý những vi phạm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước vừa có văn bản hỏa tốc về việc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố… Bởi theo UBND TP.cĐồng Xoài, trên địa bàn đã tái bùng phát các trường hợp tổ chức, cá nhân cưa cắt cây trồng trên đất, san ủi mặt bằng và tự ý mở đường giao thông khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tự ý phân lô đất nông nghiệp, quảng cáo đất dự án khu dân cư, rao bán trên mạng xã hội.

Những khu đất này thường xa khu dân cư, không có quy hoạch đất ở, chưa được nhà nước đầu tư hạ tầng. Đặc biệt, có những khu vực dù đã được cơ quan chức năng phê duyệt đồ án quy hoạch tuy nhiên, do tình trạng phân lô, bán nền trái quy định, dẫn đến phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng dự án theo quy hoạch đã được duyệt.

Bên cạnh đó việc tách thửa đất nông nghiệp với số lượng lớn dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của thành phố.

Trước diễn biến trên, UBND TP. Đồng Xoài đề nghị các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tạm dừng tách thửa đất nông nghiệp đối với các thửa đất không tiếp giáp đường giao thông. Đối với các thửa đất tiếp giáp đường giao thông thì tạm dừng tách thửa đối những thửa có diện tích dưới 2.000 m2 trên địa bàn phường và dưới 3.000 m2 trên địa bàn xã. Đồng thời, không thực hiện tách thửa đất đối với những khu đất đã có quy hoạch tỷ lệ 1:500 đã được phê duyệt. Đối với những trường hợp khác, vẫn thực hiện theo quy định.

Bên cạnh đó đề nghị Phòng quản lý đô thị thành phố tạm ngưng tham mưu UBND thành phố cấp phép xây dựng công trình trong khu vực quy hoạch của các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt yêu cầu phía UBND các phường, xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm ngay từ đầu các trường hợp thi công trái phép, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình không phép, quảng cáo sai sự thật, không để phát sinh các khu dân cư ổ chuột; tổ chức cắm biển quảng cáo, băng rôn tuyên truyền cho người dân biết những khu vực người sử dụng đất tự ý san ủi mặt bằng, làm đường đi trên đất nông nghiệp, có dấu hiệu phân lô, tách thửa không đúng quy định.

Tuy nhiên, không chỉ có TP. Đồng Xoài mà thời gian qua, một số địa phương thuộc tỉnh Bình Phước cũng xảy ra tình trạng vi phạm liên quan đến đất nông nghiệp. Theo thông tin từ UBND huyện Lộc Ninh cho biết, trên địa bàn huyện  đã diễn ra việc chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; đăng tin quảng cáo trên các trang mạng xã hội là các “dự án" bất động sản, nhưng thực tế không được cơ quan chức năng cấp phép.

Để ngăn chặn tình trạng này, UBND huyện Lộc Ninh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn nhằm hạn chế tác động của việc các đối tượng môi giới thông tin, quảng cáo sai sự thật về các dự án "ma". Đặc biệt đối với các diện tích tách thửa thuộc quy hoạch đất nông nghiệp mà không được phép chuyển đổi sang đất ở cần thông tin cụ thể để người dân được biết, nhằm hạn chế việc lừa đảo để chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá cao, không đúng thực tế.

Ngoài ra cần xử lý nghiêm các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, ngăn chặn kịp thời việc hình thành các điểm dân cư, khu dân cư trái phép trên đất nông nghiệp, các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, xúi giục, gây bất ổn thị trường bất động sản.

Còn trước đó, ngày 14/3, UBND huyện Bù Đăng cũng đề nghị các địa phương, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện báo cáo các trường hợp người sử dụng đất tự ý mở đường đi không theo quy hoạch và hồ sơ người dân đã lập để tách thửa đất nông nghiệp (diện tích hơn 1.000 m2) để có hướng chỉ đạo, giải quyết. Việc làm này nhằm không để xảy ra tình trạng người dân tự ý mở đường, phân lô tách thửa đất nông nghiệp trên địa bàn...