“Bitcoin có thể không tồn tại được lâu”
Tương lai của Bitcoin là điều mà không ai dám chắc, nhưng một học giả cảnh báo rằng đồng tiền ảo lớn nhất thế giới có thể “bay màu” trong thời gian không xa...
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, giáo sư Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell, nói: “Bitcoin sẽ không tồn tại được lâu nữa”.
Giá Bitcoin thường xuyên biến động mạnh kể từ khi tiền ảo này ra đời. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá Bitcoin giảm từ khoảng 58.000 USD xuống còn chưa đầy 46.000 USD. Chiều ngày 20/12, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com dao động trên ngưỡng 46.000 USD. Đỉnh giá mọi thời đại của Bitcoin là gần 69.000 USD thiết lập hồi tháng 11.
Khi tiền ảo mới xuất hiện, số đồng tiền ảo trên thế giới rất ít. Nhưng hiện nay, thế giới có hàng nghìn tiền ảo khác nhau, trong đó có những đồng sở hữu tính năng rộng hơn và thân thiện với môi trường hơn so với Bitcoin.
Chuỗi khối (blockchain) là công nghệ hậu thuẫn hầu hết các loại tiền ảo. Về bản chất, đây là một sổ cái kỹ thuật số các giao dịch trực tuyến của tiền ảo, được phân bổ trên một mạng lưới toàn cầu gồm các máy tính khác nhau.
“Cách mà Bitcoin sử dụng công nghệ chuỗi khối chưa được hiệu quả cho lắm”, ông Prasad – tác giả cuốn “The future of money: How the digital revolution is transforming currencies and finance” (tạm dịch: “Tương lai của tiền: Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang biến đổi các đồng tiền và tài chính ra sao”) – phát biểu.
“Cơ chế chứng thực giao dịch của Bitcoin gây tổn hại cho môi trường” và tiền ảo này cũng “không xuất sắc về mở rộng quy mô”, ông Prasad giải thích. Theo một số nguồn dữ liệu, do việc đào (mine) Bitcoin tiêu thụ một lượng điện năng khổng lồ, dấu ấn carbon của Bitcoin còn lớn hơn của cả môt quốc gia là New Zealand.
Theo ông Prasad, một số tiền ảo mới hơn sử dụng công nghệ chuỗi khối hiệu quả hơn nhiều so với Bitcoin.
Ông tin rằng công nghệ chuỗi khối sẽ “thay đổi một cách căn bản” các phương thức trong lĩnh vực tài chính và các cách thức mà thế giới vẫn đang thực hiện các giao dịch hàng ngày, như mua nhà hay mua xe.
“Xét tới việc Bitcoin hiện không được sử dụng như một phương tiện thanh toán, tôi không nghĩ là tiền ảo này sẽ có một giá trị nền tảng nào ngoài niềm tin của nhà đầu tư cho rằng Bitcoin sẽ có giá trị như vậy”, ông Prasad nói.
Ngoài ra, tiền ảo đã “khiến các ngân hàng trung ương như ngồi trên đống lửa và nghĩ đến việc phát hành phiên bản kỹ thuật số của đồng tiền giấy mỗi nước”, ông Prasad nói.
Vị giáo sư nói thêm rằng các đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành có thể mang lại nhiều lợi ích vì sẽ mang lại một lựa chọn thanh toán với chi phí thấp mà ai cũng có thể tiếp cận, theo đó làm gia tăng sự bao trùm tài chính và thậm chí giúp tạo ra sự ổn định tài chính.
“Nhưng dù bạn có thích Bitcoin hay không, thì đồng tiền ảo này cũng thực sự mở ra một cuộc cách mạng rốt cục sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta, một cách trực tiếp hay gián tiếp”, ông Prasad nhấn mạnh.