Blog chứng khoán: Dòng tiền luân chuyển
Nhóm tăng tốt những ngày qua tạm bị chốt lời và giảm, nhóm chưa tăng nhiều lại hút tiền và mạnh lên. Đó là điểm sáng nhất trong phiên giảm điểm hôm nay, khi độ phân hóa rõ ràng vẫn đang thể hiện sự luân chuyển năng động của dòng tiền. Truyền cành khéo vẫn “có ăn”!
Nhóm tăng tốt những ngày qua tạm bị chốt lời và giảm, nhóm chưa tăng nhiều lại hút tiền và mạnh lên. Đó là điểm sáng nhất trong phiên giảm điểm hôm nay, khi độ phân hóa rõ ràng vẫn đang thể hiện sự luân chuyển năng động của dòng tiền. Truyền cành khéo vẫn “có ăn”!
Các chỉ số đỏ hôm nay chủ đạo do nhóm blue-chips giảm giá. Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán bị chốt lời, nhưng cổ phiếu thép, vật liệu, xây dựng thậm chí cả bất động sản lại tăng. Độ rộng cân bằng trong bối cảnh chỉ số giảm là điều tích cực.
Trạng thái giằng co trên thị trường vẫn sẽ tiếp diễn, chừng nào hướng đi lên chưa “sạch nước cản”. Cản trở lớn nhất lúc này là tâm lý do dự và chờ đợi. FED tăng lãi suất bao nhiêu trong đợt họp 2 tuần nữa là dấu hỏi lớn, giá dầu đang tìm vùng cân bằng dưới 100 USD/thùng, sự đồng thuận của dòng tiền chưa rõ, các blue-chips vẫn chờ đợi động lực hỗ trợ đủ tốt để tăng đều và thiết lập xu hướng rõ ràng cho chỉ số.
Diễn biến trồi sụt ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt có thể gây hiệu ứng ở chỉ số, nhưng mức điều chỉnh chưa đủ nhiều để thay đổi xu hướng của chính các mã đó. Vì vậy rủi ro thị trường sụt giảm lớn là rất thấp khi các cổ phiếu có khả năng điều tiết chỉ số vẫn đang quanh vùng hỗ trợ. VIC, VHM, VCB, GAS đều đang cân bằng cung cầu quanh vùng đáy.
Ngược lại, rủi ro FED tăng lãi suất nhanh hơn có thể khiến chứng khoán thế giới biến động mạnh. Ảnh hưởng lan tỏa đến thị trường Việt Nam như thế nào chính là một thông tin quan trọng. Nhìn theo hướng tích cực, đó là điều kiện thuận lợi để kiểm tra sức mạnh thị trường trong nước khi nhà đầu tư phải ra quyết định, cũng như khả năng phản ứng trước với kỳ vọng. Nếu đỉnh lạm phát thế giới đã có trong tháng 6, nghĩa là tháng 7 và tiếp theo sẽ giảm dần, từ đó làm giảm sức ép lên các chính sách lãi suất. Thị trường sẽ đánh giá xu hướng đó như thế nào?
Phiên giao dịch hôm nay không mạnh về điểm số, nhưng nhiều tín hiệu tích cực vẫn được duy trì. Thanh khoản tăng lên với những mã hút dòng tiền vẫn có tiến triển giá tốt; biên độ giảm giá của cổ phiếu trong VNI không mạnh khi chỉ 35% mã giảm có mức giảm trên 1% và số này chỉ chiếm 36% thanh khoản chung. Cảm giác tiêu cực chỉ xuất hiện với các nhà đầu tư nắm giữ sai cổ phiếu hoặc không có một danh mục đa dạng hóa. Đây là trạng thái thị trường cần sự chuyên nghiệp trong việc quản lý danh mục, di chuyển vị thế, tái cơ cấu phù hợp với từng thời điểm nếu muốn tối đa hóa lợi nhuận.
Thị trường phái sinh hôm nay khó giao dịch vì các trụ đi ngược nhau nhưng lại không đủ lớn để vượt trội về một phía. Ví dụ HPG được đánh lên mạnh mẽ từ khoảng 2h. Cổ phiếu này rất lớn trong VN30 nhưng đúng nhịp đó thì MSN, FPT, VNM lại đi ngược hướng. Đến khi nhiều blue-chips khác cũng hạ độ cao thì HPG gần như vô tác dụng và VN30 tụt giảm. VN30 bị kẹp trong biên độ 1224.xx và 1218.xx với F1 chiết khấu hơn 7 điểm thì trading gần như bất khả thi. Vẫn giữ quan điểm nên hạn chế giao dịch phái sinh ở thời điểm này khi các trụ bị phân tán và thanh khoản quá mỏng để có độ chắc chắn trong diễn biến giá. Nên quan tâm trading với cơ sở.
VN30 dừng hôm nay tại 1220.14. Cản gần nhất phiên thứ Hai tuần tới là 1223; 1230; 1239; 1242; 1248; 1251; 1255; 1260. Hỗ trợ 1218; 1211; 1208; 1202; 1195; 1191.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.