07:39 15/07/2022

S&P 500, Dow Jones nối dài chuỗi phiên giảm điểm sau báo cáo lợi nhuận của 2 ngân hàng Mỹ

Ngọc Trang

Chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/7) sau khi các nhà đầu tư đón nhận kết quả kinh doanh quý gây thất vọng của hai ngân hàng lớn của Mỹ và dữ liệu lạm phát gây sốc...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters

Đầu phiên, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm sâu sau khi dữ liệu kinh doanh quý 2 của JPMorgan Chase & Co và Morgan Stanley được công bố. Cả hai ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh và cảnh báo về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế.

Thị trường sau đó hồi dần vào cuối phiên nhờ nhiều cổ phiếu chip tăng mạnh, giúp chỉ số Nasdaq đóng cửa trong sắc xanh.

“Đã xảy ra phản ứng bất hợp lý trước kết quả kinh doanh của JPMorgan và Morgan Stanley. Bởi vì kết quả không tốt của các ngân hàng đầu tư không phải điều gì đáng ngạc nhiên”, Jay Hatfield, giám đốc điều hành và giám đốc danh mục đầu tư tại InfraCap ở New York, bình luận. “JPMorgan đã cảnh báo rằng thị trường đang xảy ra bất ổn. Nhưng nếu một người đang sống và vẫn thở thì hẳn anh ta phải biết rằng thị trường đang bất ổn".

Cổ phiếu JPMorgan Chase và Morgan Stanley lần lượt giảm 3,5% và 0,4% trong phiên hôm qua, trong khi đó chỉ số Ngân hàng S&P giảm 2,4%.

Mối lo về suy thoái kinh tế tiếp tục được đẩy lên cao hơn khi Chỉ số giá sản xuất (PPI) và Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ đều cho thấy lạm phát Mỹ “nóng” hơn so với dự báo.

Cơn bán tháo trên thị trường bắt đầu giảm bớt sau khi Thống thống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller nói rằng ông ủng hộ việc tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong tháng 7. Phát biểu này làm giảm nỗi lo về một đợt tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm như nhiều người dự báo sau khi Cục Thống kê (Bộ Lao động Mỹ) công bố dữ liệu về lạm phát hôm 13/7.

“Fed có thể sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm cơ bản nhưng họ không nên làm vậy”, ông Hatfield nói. “Họ đã làm rất nhiều việc để giảm lạm phát nhưng họ không nhận ra rằng mình đang nhìn tình hình trong gương chiếu hậu”.

Trước đó, sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy CPI tháng 6 với mức tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều nhà phân tích bắt đầu dự báo rằng Fed sẽ có động thái quyết liệt hơn nữa để ứng phó với lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Điều này làm tăng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

“Sẽ có một cuộc suy thoái nhưng là một cuộc suy thoái nhẹ thôi”, ông Oliver Pursche, phó chủ tịch cấp cao của Wealthspire Advisors, ở New York, nhận định. "Yếu tố quan trọng là thị trường lao động tiếp tục duy trì ở mức tốt. Với tình hình việc làm hiện tại, chưa có mối đe dọa tức thời”.

CPI lõi tháng 6 của Mỹ, không tính giá năng lượng và thực phẩm, tăng 5,9%, giảm so với mức đỉnh hồi tháng 3 dù vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu bình quân năm 2% của Fed.

Lúc đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 142,62 điểm, tương đương 0,46%, xuống còn 30.630,17 điểm. S&P 500 mất 11,4 điểm, tương đương 0,3%, còn 3.790,38 điểm. Riêng Nasdaq tăng 3,6 điểm, tương đương 0,03%, đóng cửa ở 11.251,19 điểm,

8 trong 11 nhóm ngành chính của S&P 500 đều giảm điểm, trong đó nhóm cổ phiếu tài chính giảm mạnh nhất với 1,9%, còn nhóm cổ phiếu công nghệ tăng điểm mạnh nhất.

Theo Refinitiv, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh chính thức diễn ra, giới phân tích kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái của các doanh nghiệp trong S&P 500 là 5,1% - thấp hơn nhiều so với dự báo 6,8% được đưa ra hồi đầu quý.

Giá cổ phiếu của hãng chip Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) niêm yết tại Mỹ tăng 2,9% sau khi báo cáo cho thấy doanh thu của công ty vượt dự báo của giới phân tích.

Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch hôm qua khi các nhà đầu tư tập trung vào mối lo rằng Fed sẽ tăng lãi suất mạnh hơn trong tháng này – động thái nhằm hạ nhiệt lạm phát nhưng đồng thời cũng khiến nhu cầu dầu sụt giảm.

Giá hợp đồng tương lai dầu thô Brent giao tháng 9 đóng cửa giảm 47 cent, tương đương 0,5%, xuống còn 99,1 USD/thùng – đánh dấu phiên thứ ba liên tiếp ở mức dưới 100 USD. Dầu WTI giao tháng 8 giảm 52 cent xuống còn 95,78 USD, tương đương mức giảm 0,5%.

Cả hai đều chạm mức thấp nhất kể từ ngày 23/2 – một ngày trước khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra.

Giá dầu liên tục giảm trong hai tuần qua do mối lo về suy thoái kinh tế, bất chấp việc xuất khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế của Nga sụt giảm giữa “bão” trừng phạt của phương Tây và gián đoạn nguồn cung ở Libya.

Giới đầu tư cũng đổ xô vào USD – một tài sản được xem là kênh trú ẩn an toàn lúc này. Chỉ số đồng USD tăng lên mức cao nhất 20 năm trong ngày 13/7. Điều này khiến cho dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn với những bên mua không sử dụng USD.