Blog chứng khoán: "Làn gió mới" trên thị trường phái sinh
Thị trường phái sinh đang tăng giá đầy kích động. Kiểu giao dịch "rút phích" và không giảm được rồi hôm sau tăng tiếp đang khuyến khích thị trường phái sinh chấp nhận mức basis không tưởng
Thị trường phái sinh đang tăng giá đầy kích động. Kiểu giao dịch "rút phích" và không giảm được rồi hôm sau tăng tiếp đang khuyến khích thị trường phái sinh chấp nhận mức basis không tưởng.
Hôm nay bận không giao dịch cả ngày. Gần cuối giờ không tin vào mắt mình khi basis tới hơn 30 điểm. Không lẽ các tay chơi trên thị trường phái sinh tin chắc vào kiểu giao dịch tằng tằng đi lên này đến mức chấp nhận trả trước một mức lớn như vậy? Short ATC xem chết như thế nào! Giữ vị thế qua đêm.
Kiểu giao dịch "rút phích" kéo dài 4 phiên đang tạo một ấn tượng rất kỳ lạ là thị trườg không thể giảm được. Bất kỳ đợt xả nào đẩy thanh khoản lên quá cao cũng sẽ khiến hệ thống nghẽn và dừng đà giảm. Hôm sau thị trường lại tăng tiếp và diễn biến lặp lại.
Có thể thấy các nhà đầu tư không giao dịch được trên thị trường cơ sở sàn HSX đã nhảy qua HNX hoặc thị trường phái sinh để chơi. Nếu chơi cổ phiếu thì chỉ có 1 đường là mua để đặt cược giá lên. Vậy thì thị trường phái sinh cũng chỉ là một trò đặt cược mà thôi. Thanh khoản trên cả hai thị trường này đang gia tăng rất cao do nhận được lượng tiền mới.
Chiều nay F1 tăng giá một đoạn đầy kích động là sau 1h30 khi thị trường cơ sở đã bắt đầu nghẽn. Hệ thống nghẽn tức là các chỉ số không thể đi đâu được. Vậy mà F1 tăng bốc hỏa cho tới phút chót, basis từ khoảng 15 điểm lên trên 30 điểm. Phái sinh đã hoàn toàn tách khỏi cơ sở ở mức độ chưa từng thấy.
Thực ra thì thời kỳ đầu đã có lúc basis F1 tới 50 điểm, nhưng đó là khi sàn này còn quá vắng vẻ, chỉ đâu đó 50-60k tài khoản, tiền quá ít. Còn lúc này số tài khoản đã là gần 174k. Ba tháng cuối 2020 bình quân 10k nhà đầu tư mới nhảy vào thị trường này. Rất có thể đây là "làn gió mới" mà quan điểm chính là đặt cửa thị trường cơ sở lên hay xuống. Lên thì Long mà xuống thì Short, không cần quan tâm tới các yếu tố khác.
Kiểu giao dịch hàng ngày trên thị trường cơ sở cũng góp phần làm "hư" quan điểm trên thị trường phái sinh, vì cứ sáng ra là điểm số lại nhảy tăng bù vào mức chênh lệch cuối ngày. Tuy nhiên đây có thể là một cái bẫy đang lớn dần lên vì thị trường cơ sở vẫn có thể xuất hiện lực bán tích lũy đủ lớn để đảo chiều, dù không thể xuất hiện trong 1 ngày.
HSX cứ giao dịch đâu đó 15-16k tỷ là dừng lại không có nghĩa là lực bán bị chặn lại. Nếu thấy rằng việc nghẽn hệ thống tạo giới hạn cho bên bán và thị trường chỉ có cửa tăng, trading trong ngày cũng tắc thì đã không ai bán ra. Vậy mà ngày nào cũng có thanh khoản "đủ số", nghĩa là vẫn có nhu cầu bán lớn. Chẳng qua là quy mô bán bị giới hạn nên phải bán thành nhiều ngày.
Điểm nữa là chỉ số vẫn cứ tăng liên tục tạo cảm giác xu hướng rất mạnh và không cưỡng lại được. Tuy nhiên cổ phiếu trong xu hướng tăng có những vùng xả riêng. Nếu cổ phiếu thanh khoản lớn mà mức tăng càng ngày càng chậm lại hoặc không tăng được thì dù xu hướng trên chỉ số mạnh cỡ nào cũng không lợi ích gì. VNI đi lên không có gì khó khi nay kéo VIC, VHM, mai đẩy VCB... nhưng cổ phiếu phân hóa nhiều nghĩa là đâu đó có sự bão hòa về cung cầu, chỉ là thị trường không thể xuất hiện một phiên sụp đổ trên nền thanh khoản cực lớn mà thôi.
VN30 chốt ngày ở 1.147,86, cản trước mắt là 1151; 1156; 1158-1159; 1163; 1165. Hỗ trợ 1145-1144;1140; 1136-1134.
"Blog chứng khoán" mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.