Blog chứng khoán: Neo chỉ số đón phiên đáo hạn phái sinh?
Khi kỳ vọng vẫn còn được nuôi dưỡng và không có biến động bất ngờ nào từ bên ngoài thì giữ được thị trường cân bằng không quá khó
Hai phiên nữa là tới ngày đáo hạn hợp đồng F1 và số lượng hợp đồng mở (OI) vẫn trên 30k. Nếu nhìn vào lịch sử các thời điểm gần đáo hạn, mức OI lớn như vậy thì thường VN30 sẽ duy trì quanh mức cao nhất kỳ.
Các chỉ số như VN-Index hay VN30-Index có thể được điều tiết bằng nhóm dẫn dắt và hiện tại áp lực để giảm giá chưa rõ ràng, ít nhất là tới khi kết quả kinh doanh xuất hiện đầy đủ. Khi kỳ vọng vẫn còn được nuôi dưỡng và không có biến động bất ngờ nào từ bên ngoài thì giữ được thị trường cân bằng không quá khó.
Nhóm vốn hóa lớn nhất của hai chỉ số này không có tiến triển giá đáng kể nào mấy phiên gần đây, nhưng tăng vừa đủ để duy trì xu hướng đi lên. VIC, VCB, VHM, VNM, HPG, VJC chủ đạo là lình xình. Các mã như MSN, CTG đang cực kỳ hoành tráng mấy phiên gần đây thực ra ảnh hưởng chỉ giới hạn trong hai chỉ số này. Như hôm nay kể cả khi MSN và CTG không tăng giá thì cả hai chỉ số cũng vẫn tăng nhẹ (2 mã này góp 3 điểm cho VNI và gần 4 điểm cho VN30).
Hợp đồng F1 sẽ đáo hạn vào ngày 15/10, tức là còn 2 phiên giao dịch nữa. Trong 3 kỳ gần nhất khi lượng OI duy trì khoảng 30k trở lên trong 2-3 phiên trước thời điểm đáo hạn, VN30 thường rất ít biến động hoặc đóng ở ngưỡng cao trong kỳ. Điều này có thể hiểu là các nhà đầu tư lớn có lý do để giữ vị thế Long đến sát điểm đáo hạn.
Buổi chiều thị trường có nhịp tăng khá tốt nhưng basis lại mở rộng và âm cho thấy đã có sự thận trọng nhất định. Thực tế là đợt tăng buổi chiều cũng có hiện tượng kéo trụ khá rõ tập trung ở CTG và MSN và các nhà đầu tư phái sinh từ chối đu theo. VN30 buổi chiều giao dịch khá thấp (hơn 1,4k tỷ) mà một nửa dồn vào MSN, CTG, TCB, HPG trong đó TCB và HPG không có tiến triển giá tốt hơn.
Mặc dù về mặt chỉ số, đà tăng chậm chạp hiện tại có thể đổ lỗi cho nhóm trụ, nhưng hiệu suất tăng giá ở cổ phiếu cũng đang giảm đi đáng kể. Trong 6 phiên gần nhất các chỉ số đi lên cao hơn nhưng tỷ lệ cổ phiếu sinh lời lại giảm đi. Đó có là hệ quả của hiện tượng chốt lời dần cổ phiếu trong khi neo giữ chỉ số. Về mặt kỹ thuật, hiện tượng này sẽ tạo ra các phân kỳ về giá với chỉ số khi chỉ số tiến lên đỉnh cao mới còn đa số cổ phiếu thì không. Trong xu thế tăng đã rõ ràng như lúc này, các ngưỡng kháng cự của cổ phiếu sẽ được quan tâm hơn ngưỡng kháng cự của chỉ số.
Mức basis cho F1 hiện là xấp xỉ 2 điểm và F2 là hơn 3 điểm. VN30 vẫn có triển vọng tăng tiếp với tốc độ chậm trừ trường hợp các mã dẫn hiện tại như MSN có biến. Mức chênh lệch này là không đủ bù rủi ro cho các giao dịch Long hay Short mới ở F1. Nên canh Long F2 trong trường hợp basis hơn 4 điểm và chỉ trade trong ngày.
Đối với thị trường chung, khi hiệu suất lợi nhuận ở cổ phiếu giảm đi đúng vào đợt báo cáo kết quả kinh doanh thì triển vọng đi cao hơn là không nhiều. Mặc dù xu hướng tăng rất dài hiện tại được lý giải bằng nguồn tiền mới nhiều nhưng bản chất vẫn chỉ là đầu cơ theo xu hướng. Tín hiệu quan trọng nhất là giảm quán tính và thanh khoản. Khi cổ phiếu có biểu hiện tiền ngậm hết trong cổ thì quán tính sẽ thay đổi. Xu hướng chủ đạo là tăng, nhưng ngắn hạn vẫn có thể giảm là bình thường. Nếu đáo hạn F1 mà thanh khoản F2 tăng cùng với basis âm rộng hơn, đó có thể là các giao dịch Short phòng vệ.