Blue-chips tiếp tục “bệt”, hàng đầu cơ rực rỡ
VNSmallcap tiếp tục là chỉ số tăng tốt nhất sáng nay, bất chấp VN-Index lẫn VN30-Index giảm. Thị trường đỏ nhiều hơn xanh nhưng các mã đầu cơ vẫn trần cả loạt...
VNSmallcap tiếp tục là chỉ số tăng tốt nhất sáng nay, bất chấp VN-Index lẫn VN30-Index giảm. Thị trường đỏ nhiều hơn xanh nhưng các mã đầu cơ vẫn trần cả loạt.
Phiên đáo hạn phái sinh hôm nay càng lúc càng khó đoán, vì nhóm cổ phiếu blue-chips có ảnh hưởng tới VN30-Index lại đang rất yếu. VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,34% với 10 mã tăng/19 mã giảm.
Trong Top 10 vốn hóa của chỉ số VN30, duy nhất HPG là tăng rõ rệt 0,99%. NVL cũng khá mạnh, tăng 0,97%. Tăng cao nhất hiện là SSI với 3,16% nhưng mã này vốn hóa nhỏ. GVR tăng 2,26% thì vốn hóa thậm chí xếp cuối bảng.
Ẩn số của VN30-Index hôm nay có thể là VHM, khi cổ phiếu này vốn hóa khá lớn đồng thời đang có dấu hiệu ổn định lại sau 3 phiên giao dịch hỗn loạn. Áp lực bán của khối ngoại giảm đi trông thấy với mức ròng chỉ còn 3,8 tỷ đồng. Thanh khoản tiếp tục rất cao với 10,27 triệu cổ tương đương 1.125,6 tỷ đồng. Việc cân bằng được áp lực bán và giữa giá tăng nhẹ 0,09% là một tín hiệu tích cực.
Tuy vậy tổng thể nhóm blue-chips vẫn yếu. VNM, FPT, MSN nằm trong số tăng nhưng quá nhẹ. TCB giảm 0,95%, VIC giảm 0,92%, VPB giảm 0,94% là các trụ quan trọng của chỉ số này lại giảm sâu.
Đặc biệt thị trường không có nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắt. Ngân hàng trừ NVB tham chiếu, còn lại giảm toàn bộ. Khá may mắn là các mã lớn nhất giảm chưa nhiều. Số rơi mạnh tụ ở nhóm ngân hàng nhỏ như NAB giảm 2,8%, PGB giảm 2,1%, BVB giảm 1,9%, ABB giảm 1,8%, MSB giảm 1,6%, LPB giảm 1,5%, TPB giảm 1,5%...
Nhóm chứng khoán “xanh” khá đậm nhưng cũng chỉ tập hợp các mã nhỏ mạnh nhất. SSI tăng 3,2% là duy nhất, còn HCM tăng 0,7%, VND tăng 0,9%, VCI tăng 0,6%. Những mã chứng khoán kịch trần là DSC, CTS, VIX và APG. Nhóm tăng trên 3% có BMS, APS, PSI, AGR, HBS, IVS, TVB, VDS, TCI.
Nhìn chung nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có động lực tăng giá tốt hơn hẳn và thu hút dòng tiền khá tốt. Sàn HoSE vẫn có 19 mã kịch trần, trong đó 13 mã thuộc rổ VNSmallcap. Những mã thanh khoản rất khá là CTS, LSS, TDG, HVH, JVC, TGG, VIX, TLD, APG.
Do thiếu lực đỡ từ các blue-chips, VN-Index gần như toàn bộ thời gian sáng nay nằm dưới tham chiếu. Chỉ số giảm sâu nhất 0,59% và tăng cao nhất lúc 9h30 chỉ 0,08%. Lợi thế duy nhất của chỉ số lúc này là biên độ giảm của trụ chưa nhiều và khả năng hồi lên ở một số trụ có tín hiệu cuối phiên. Mức giảm đã được thu hẹp nhờ VHM, VCB, VIC, CTG.
Thanh khoản sáng nay không yếu, hai sàn vẫn khớp thành công 14.488 tỷ đồng, chỉ giảm hơn 2% so với sáng hôm qua. Sàn HoSE chỉ giảm 1% giá trị khớp lệnh. Như vậy mức thanh khoản ổn định và biên độ biến động nhỏ cho thấy cung cầu đang tạm thời cân bằng. Khả năng phục hồi của blue-chips sẽ là yếu tố quyết định cho phiên chiều, khi hợp đồng phái sinh đáo hạn sẽ lấy chỉ số VN30 làm giá thanh toán.
Kết thúc phiên sáng, hợp đồng tương lai F1 đang cao hơn chỉ số VN30 tới 5,2 điểm là một tín hiệu cho thấy đang có kỳ vọng về khả năng quay đầu tăng ở chỉ số này. Đúng hơn là cả phiên sáng nay F1 đều cao hơn chỉ số cơ sở, dự phòng cho một phiên đáo hạn tăng giá.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm áp lực bán nhiều, HoSE mới bị rút ròng 285,8 tỷ đồng. PVI bên HNX xuất hiện thỏa thuận mua ròng đột biến 195,2 tỷ đồng và sàn này được mua ròng chung xấp xỉ 217 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu tính về áp lực bán thì HoSE vẫn đang chịu sức ép nhất định. SSI bị bán ròng 61,7 tỷ, NVL khoảng 54,8 tỷ, VNM là 34,2 tỷ, GAS hơn 28 tỷ, VIC xấp xỉ 26 tỷ đồng. Phía mua ròng chỉ có DGC với 27,3 tỷ đồng là đáng kể.