17:24 23/04/2018

Bỏ 1 đồng cho IT, thu về 35 đồng: Bao giờ đến Việt Nam?

Thủy Diệu

"Với khát vọng Việt thì người dân và doanh nghiệp cũng đạt được hiệu quả là bỏ ra 1 đồng và thu về được 35 đồng"

Danh hiệu Sao Khuê 2018 được trao cho 73 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp phần mềm, công nghệ thông tin xuất sắc của Việt Nam.
Danh hiệu Sao Khuê 2018 được trao cho 73 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp phần mềm, công nghệ thông tin xuất sắc của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình trong bài phát biểu ngắn gọn tại buổi lễ bình chọn Danh hiệu Sao Khuê 2018 ngày 21/4 tại Hà Nội đã lấy ví dụ thú vị về một quốc gia đã có sự phát triển ấn tượng nhờ công nghệ thông tin.

Đó là Estonia, quốc gia ở khu vực Bắc Âu, tiếp giáp với Liên bang Nga về phía Đông và giáp Latvia về phía Nam. Theo ông Bình, từ một nước thu nhập trung bình nhưng Estonia chỉ trong vòng 18 năm đã lọt vào danh sách các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhờ lựa chọn con đường công nghệ thông tin.

Estonia và mô hình kinh tế 5.0

Estonia hiện đang thực hiện mô hình kinh tế 5.0 giữa lúc nhất nhiều nước vẫn còn đang loay hoay và chật vật mô hình 4.0. Estonia được mệnh danh là quốc gia "kỹ thuật số" đầu tiên trên thế giới. Từ năm 2000 người dân đã có thể nộp thuế trực tuyến, nhận kết quả xét nghiệm y tế và đơn thuốc, ký các văn bản... Giờ đây, tất cả các thủ tục về y tế, hợp đồng, giao dịch ngân hàng, bầu cử hay thậm chí là mua vé đi tàu đều được tích hợp mã nhận diện công dân điện tử.

Hầu hết các thủ tục hành chính công tại Estonia không dùng đến giấy mà làm online. Hệ thống Wi-Fi phủ khắp đất nước. Các luật sư tư vấn cho khách hàng qua các kênh trực tuyến. Doanh nghiệp có thể dễ dàng đăng ký thủ tục mở công ty trực tuyến chỉ trong vòng 18 phút từ bất kỳ đâu trên thế giới…

Ông Trương Gia Bình cho biết, ngân sách chi cho công nghệ thông tin những năm đầu của Estonia là 1%, đến nay là 1,4% nhưng hiệu quả tiết kiệm được 800 năm thời gian lao động và tiết kiệm được 2% GDP.

Nói cách khác, họ bỏ ra một đồng cho công nghệ thông tin và thu về được 35 đồng. "Nếu ứng dụng tại Việt Nam và chúng ta thực sự triển khai chương trình như vậy, với khát vọng Việt thì người dân và doanh nghiệp cũng đạt được hiệu quả là bỏ ra 1 đồng và thu về được 35 đồng", ông Bình nhìn nhận.

Cũng theo ông Bình nếu điều này xảy ra và hi vọng trong năm nay sẽ bắt đầu thì đây là cơ hội rất lớn cho toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam về công nghệ thông tin, để có thể tham gia góp phần vào một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm khiết và vì dân.

Chủ tịch VINASA cũng cho biết, gần đây Chính phủ đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ đi khảo sát, nghiên cứu ba nước có thành tựu rất tốt về kỹ thuật số là Malaysia, Estonia và Pháp.

"Cuộc khảo sát các quốc gia hàng đầu về kinh tế số, kỹ thuật số đã tạo ra cho chúng ta niềm phấn khởi chưa từng có, nguồn cảm hứng vô tận, vì dường như chúng ta đã biết cần làm gì, làm như thế nào. Chỉ cần một khát vọng Việt Nam to lớn thì Việt Nam có thể nhanh chóng bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và có thể có vị trí rất xứng đáng trên toàn thế giới", vị Chủ tịch VINASA nhấn mạnh.

Dấu ấn 4.0 trong danh hiệu Sao Khuê

Liên quan đến Danh hiệu Sao Khuê 2018, năm nay đã ghi nhận sự đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và triển khai những xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa quy trình robot (Robotic Process Automation - RPA), Chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), công nghệ in 3D…

Trong số các giải pháp 4.0, có thể kể đến công ty Misa với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển "Giám đốc tài chính số" dành cho phần mềm quản trị doanh nghiệp Amis.vn, hay "Nhân viên order số" trên phần mềm quản lý nhà hàng Cukcuk.vn. Người dùng có thể sử dụng giọng nói để trao đổi, truy vấn các thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, hay để gọi món, trò chuyện với cô nhân viên phục vụ thông minh.

AI cũng là công nghệ được công ty Gmo-z.com RunSystem ứng dụng vào việc tự động tạo ra các bài viết trên cổng thông tin về game tại Nhật, nhận dạng chữ viết tay trên hệ thống nhập dữ liệu cho dịch vụ BPO tại các văn phòng của các UBND quận, huyện tại Nhật; hay tự động đưa ra các gợi ý về các địa điểm nhà hàng, quán cafe dựa trên thói quen của người dùng...

Ông Nguyễn Tấn Minh, Phó giám đốc Gmo-z.com RunSystem, cho rằng, tương lai trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển mạnh, đi kèm xử lý dữ liệu lớn Big data. Các công nghệ này sẽ giúp khai phá những cơ hội tiềm ẩn trong việc nâng cao trải nghiệm, dự đoán trước hành vi và mở rộng dữ liệu cho hệ thống trải nghiệm người dùng siêu cá nhân hoá. Đây chắc chắn là công nghệ được săn đón trong tất cả các lĩnh vực từ marketing, truyền thông, kinh doanh...