23:02 06/01/2009

Bộ Công Thương trình phương án tăng giá điện mới

Thúy Nhung

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ các phương án tăng giá bán điện năm 2009, với mức tăng thấp hơn đề xuất trước đó của EVN

Lần điều chỉnh gần đây nhất của giá điện là vào ngày 1/7/2007, với mức tăng bình quân 7,6%.
Lần điều chỉnh gần đây nhất của giá điện là vào ngày 1/7/2007, với mức tăng bình quân 7,6%.
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ các phương án tăng giá bán điện năm 2009, với mức tăng thấp hơn đề xuất trước đó của EVN.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, giá điện trong năm 2009 sẽ tăng theo hai phương án thấp và cao. Phương án thấp, giá điện sẽ tăng 8,3% và phương án cao là tăng trên 9%.

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết: các phương án điều chỉnh giá của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và của Bộ Công Thương đều tuân theo lộ trình tăng giá đã được phê duyệt. Tuy nhiên, EVN muốn tăng sớm hơn và mức tăng cũng cao hơn mức mà Bộ Công Thương trình.

Còn phương án của bộ đã được tính toán trên nhiều yếu tố của tình hình kinh tế hiện nay. Trong đó có yếu tố nguyên liệu đầu vào, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế...

Hiện Bộ Tài chính đang thẩm định các phương án tăng giá bán điện do Bộ Công Thương vừa đề xuất trên cơ sở tính toán chi phí đầu vào, khả năng chấp nhận của người tiêu dùng và tiến tới mục tiêu trả giá theo cơ chế thị trường theo lộ trình mà Chính phủ đề ra.

Tuy vậy, “đợt điều chỉnh giá bán điện lần này sẽ được tính toán rất thận trọng để tránh tác động đến hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Theo đó, giá bán điện sẽ được tính toán trên cơ sở giá đầu vào đang giảm mạnh, bao gồm cả giá xăng dầu... đồng thời có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình thuộc đối tượng nghèo”, trao đổi với báo giới, một quan chức Bộ Tài chính cho biết.

Lần điều chỉnh gần đây nhất của giá điện là vào ngày 1/7/2007, với mức tăng bình quân 7,6%. Trong đó, giá điện sinh hoạt 100 kWh đầu tiên vẫn giữ nguyên mức cũ 550 đồng/kWh đối với tất cả các hộ sử dụng. Giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn giữ nguyên mức 390 đồng/kWh và giữ nguyên giá trần điện sinh hoạt nông thôn ở mức 700 đồng/kWh.

Tuy nhiên, từ 101-150 kWh tiếp theo áp dụng mức tăng bậc thang 23%, từ 151- 200 kWh mức tăng 21%; tăng 19% đối với bậc thang 201-300 kWh; tăng 23% đối với bậc thang 301-400 kWh và tăng 27% đối với bậc thang 400 kWh trở lên...

* Về đề xuất tăng giá bán điện trước đó của EVN, trên cơ sở tính toán bảng cân đối thu chi, xác định lỗ lãi từ năm 2009-2012, EVN đã đưa ra các phương án tăng giá điện như sau:

Giá điện cho sản xuất dự kiến tăng 15,5% so với giá hiện hành. Tương tự, giá bán điện cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp dự kiến tăng 16%; giá cho các đối tượng kinh doanh dịch vụ dự kiến tăng 16%.

Còn đối với giá điện sinh hoạt, EVN đã đưa ra hai phương án:

Phương án 1: bao gồm 6 nấc thang như hiện nay, dự kiến sẽ tăng bình quân mỗi nấc thang là 16% so với giá hiện hành, riêng nấc thang đầu tiên với 100 kWh đầu tăng 36% so với hiện hành.

Phương án 2: chia đôi nấc thang đầu tiên, mỗi nấc thang 50 kWh (tổng cộng có thành 7 nấc), trong đó nấc thang 1 tăng 27%, nấc thang 2 tăng 63%, các nấc thang còn lại sẽ tăng 12% so với hiện hành.