17:55 17/05/2023

Bộ Tài chính đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và rượu, bia

Ánh Tuyết

Tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá, rượu, bia tại Việt Nam chỉ chiếm 30%-40%, thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Bộ Tài chính đang tính toán lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng có hại cho sức khỏe nêu trên, đảm bảo giá các mặt hàng này tăng kịp theo mức tăng thu nhập và lạm phát...

Thuế rượu, bia ở Việt Nam chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi đó, ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ 40-85%.
Thuế rượu, bia ở Việt Nam chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi đó, ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ 40-85%.

Trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, rượu, bia.

THUẾ VỚI THUỐC LÁ THẤP HƠN NHIỀU QUỐC GIA, NAM GIỚI HÚT THUỐC Ở MỨC CAO

Cụ thể, trong dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đổi đối với mặt hàng thuốc lá.

Theo báo cáo điều tra 194 nước của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021, khoảng 90% số quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, đặc biệt, ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, với số lượng 48 nước năm 2008 tăng lên 61 nước vào 2016.

 

Cũng theo khuyến nghị của WHO và Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm từ 66-75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá. Tuy nhiên, giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%.

So sánh với các quốc gia khác có thể thấy tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá cao hơn Việt Nam rất nhiều.

Chẳng hạn, tỷ lệ này ở Brunei lên tới 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar 50%.

Đối với các nước phát triển như Úc, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá là 62%, Đức: 75%, Pháp 80%...

Mặt khác, mặc dù mặt hàng thuốc lá được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2019, tuy nhiên, trong thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao.

Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới đã giảm từ 45,3% (năm 2010) xuống 43,3% (năm 2020) nhưng vẫn ở mức cao và chưa đạt được mục tiêu đề ra là giảm xuống 37% vào năm 2030.

Như vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc sử dụng thuốc lá, cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra.

“Các nước tăng cường áp dụng thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp và gắn theo các điều kiện về định kỳ tăng thuế theo hoặc cao hơn tốc độ lạm phát và mức tăng trưởng để đảm bảo giá thuốc lá tăng cao hơn hoặc bằng với tốc độ gia tăng thu nhập, sức mua của người hút thuốc”, Bộ Tài chính nhìn nhận.

Do vậy, bộ này cho rằng, cần thiết sửa đổi phương pháp tính thuế đối với mặt hàng thuốc lá theo phương pháp hỗn hợp để nhằm tăng tính hiệu quả của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của thế giới.

Còn theo giới chuyên gia, việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp sẽ đảm bảo cho chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiệu quả đối với mục tiêu tăng giá sản phần này; đồng thời, góp phần định hướng giảm tiêu dùng sản phẩm thuốc lá giá rẻ, bởi đây là sản phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác hại đến sức khỏe nhanh hơn và có hại hơn so với thuốc lá cao cấp.

Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp cũng hạn chế sự tiếp cận của giới trẻ, đối tượng mới hút thuốc thường tiếp cận thuốc lá bắt đầu từ thuốc lá giá thấp.

Theo đề xuất của nhóm chuyên gia đến từ PwC, giai đoạn đầu, Việt Nam có thể chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp, sau đó tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc.

"Việc thực hiện kết hợp mức thuế tuyệt đối ở mức thấp hơn sẽ tránh được sự tăng giá đột biến đối với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp, tác động đến người tiêu dùng, dẫn đến việc họ chuyển đổi sang thuốc lá với giá rẻ hơn, bao gồm cả thuốc lá kém chất lượng, độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc lá lậu", PwC gợi ý.

Tuy nhiên, về lâu dài, PwC cho rằng cơ cấu thuế tuyệt đối là một cơ cấu thuế ưu việt hơn so với cơ cấu thuế hỗn hợp hoặc cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm vì việc thu thuế sẽ dựa trên sản lượng thuốc lá tiêu thụ. Cơ cấu thuế tuyệt đối cũng có thể sẽ tránh được vấn đề chênh lệch giá lớn giữa giá xuất xưởng và giá bán lẻ có thể xảy ra khi sử dụng cơ cấu thuế tính theo tỷ lệ phần trăm hoặc thuế hỗn hợp.

Để chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối một cách thuận lợi, Bộ Tài chính có thể xem xét tăng dần thành phần thuế tuyệt đối và giảm thành phần thuế tương đối, để khuyến khích đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Như vậy sự chênh lệch về giá thuốc lá sẽ thu hẹp dần và khi đến thời điểm phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối. 

TĂNG THUẾ VỚI RƯỢU, BIA SẼ GIẢM MẠNH NHU CẦU VỚI THANH NIÊN, NGƯỜI THU NHẬP THẤP

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe khác như: rượu, bia để định hướng nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng.

Theo ghi nhận, mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2018, tuy nhiên, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh.

Một nghiên cứu cho thấy Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Cùng với đó, tình hình tiêu thụ rượu bia vẫn nhích tăng qua các năm khi số liệu năm 2019 cho thấy lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, bằng 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, bằng 1,02 lần năm 2015.

Về tác hại do rượu bia đem lại, có nghiên cứu chỉ ra tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra như: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo...

Rượu, bia cũng là 1 trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Do vậy, việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa.

 

Trong khi đó, hiện nay, thuế rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của WHO mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi đó, ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ 40-85% giá bán lẻ.

Theo khuyến cáo của WHO, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu, bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia gây ra.

WHO cũng khuyến nghị tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu, bia đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu, đặc biệt người tiêu dùng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên sẽ giảm sử dụng nhiều hơn khi thuế và giá rượu, bia tăng.

Theo quan sát, nhiều quốc gia trên thế giới cũng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn vì ảnh hưởng tiêu cực của sản phẩm này đối với sức khỏe khi người tiêu dùng lạm dụng, sử dụng nhiều.

Cụ thể, các nước trong khu vực ASEAN như: Singapore áp thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối 88 SGD/lít độ còn đổi với rượu, 60 SGD/lít độ cồn đối với bia.

Thái Lan thậm chí quy định thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với bia, rượu là 30% trên giá bán lẻ và 3.000 bạt/lít, tương đương khoảng 2 triệu đồng/lít tùy chủng loại. Hay tại Australia, đối với rượu, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 90,78 AUD/lít độ cồn, đối với bia, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 53,59 AUD/Iít độ cồn.

Do đó, để góp phần giảm sử dụng rượu, bia trong thời gian tới, Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm cần nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, đảm bảo mức tăng giá rượu, bia sau khi điều chỉnh phải tăng kịp theo mức tăng thu nhập và lạm phát.