07:00 12/09/2023

Bộ Tài chính trả lời cử tri về dự trữ quốc gia xăng dầu và dầu thô

Ánh Tuyết

Hồi đáp đề nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh về chiến lược dữ trữ năng lượng quốc gia để bảo đảm an ninh năng lượng, Bộ Tài chính cho biết, mức dự trữ quốc gia xăng dầu hiện chỉ đạt khoảng 9 ngày nhập ròng và chưa có dự trữ quốc gia đối với dầu thô...

Quy hoạch đề ra mục tiêu nâng dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng 15 - 20 ngày nhập ròng giai đoạn 2021 - 2030.
Quy hoạch đề ra mục tiêu nâng dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng 15 - 20 ngày nhập ròng giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh về vấn đề tầm nhìn chiến lược lâu dài về dự trữ năng lượng của quốc gia nhằm tránh tình trạng giá xăng dầu leo thang như trong thời gian qua. Theo đó, bộ này cho biết,  hiện nay, cơ chế chính sách quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia cơ bản được ban hành đầy đủ, đồng bộ, gồm Luật Dự trữ quốc gia và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Dự trữ quốc gia như: Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 về quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia; Nghị định số 128/2015/NĐ-CP ngày 15/12/2015 về sửa đổi, bổ sung danh mục chi tiết thì hàng dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013.

Cùng với đó là nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu gồm Nghị định số 83/2014/NĐ- CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 09/11/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia tại Quyết định số 16/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020.

Cùng đó, Bộ Tài chính cũng ban hành nhiều thông tư hướng dẫn về kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước; nhập, xuất, mua, bán; thuê bảo quản; quản lý chất lượng; chế độ kế toán về dự trữ quốc gia...

Cũng theo Bộ Tài chính, ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nội dung về quan điểm; mục tiêu (mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể); định hướng phát triển; phương án phát triển; định hướng bố trí sử dụng đất; dự kiến nhu cầu vốn đầu tư; dự án trọng điểm quốc gia, ưu tiên đầu tư và giải pháp để thực hiện quy hoạch.

Về mục tiêu cụ thể đối với hạ tầng dự trữ quốc gia về xăng dầu, Quyết định số 861/QĐ-TTg nêu rõ: "Đảm bảo hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia với sức chứa từ 500 - 1.000 ngàn m3 sản phẩm xăng dầu và 1.000 - 2.000 ngàn tấn dầu thô, đáp ứng 15 - 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030; đảm bảo sức chứa từ 500 - 800 ngàn m3 sản phẩm xăng dầu và 2.000 - 3.000 ngàn tấn dầu thô, đáp ứng 25 - 30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030”.

 

Mức dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu mới chỉ đạt khoảng 9 ngày nhập ròng, chưa có dự trữ quốc gia đối với dầu thô. Con số này cũng thấp hơn nhiều nước khoảng 20 - 30 ngày. 

Bộ Tài chính

Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy dự trữ xăng dầu quốc gia bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng, và 6,5 ngày tiêu thụ là thấp so với nhu cầu thực tế.

Con số này cũng thấp hơn nhiều quốc gia khác khoảng 20 - 30 ngày, như vậy, mức dự trữ hiện tại của Việt Nam chỉ bằng 1/3 - 1/8 nhiều nước. 

Theo đánh giá, lượng hàng dự trữ "mỏng" dẫn tới khi nhu cầu xăng dầu tăng vọt, lượng hàng doanh nghiệp cung ứng cho hệ thống phân phối khó lòng cung ứng kịp cho các cửa hàng bán lẻ, khiến một số địa phương xăng dầu thiếu cục bộ.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng trong giai đoạn tới, việc tăng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng yêu cầu Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết.

Vì vậy, tại văn bản số 2790/VPCP-KTTH ngày 15/8/2022 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án điều chỉnh tăng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia phù hợp khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước và đáp ứng các yêu cầu về kho, bồn bể chứa. Đồng thời, nghiên cứu lộ trình thực hiện phù hợp, bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về dự trữ xăng dầu quốc gia.

"Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030, làm cơ sở đề Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch dự trữ quốc gia về xăng dầu trong thời gian tới cho phù hợp", văn bản Bộ Tài chính khẳng định. 

Về việc nghiên cứu xây dựng Trung tâm dự trữ năng lượng quốc gia độc lập thì hiện nay, nguồn dự trữ quốc gia vẫn phụ thuộc vào kho dự trữ của các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn. Theo Bộ Tài chính, căn cứ theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ phân công quản lý danh mục mặt hàng các sản phẩm xăng dầu và dầu thô dự trữ quốc gia. 

Tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 về phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch; trong đó có mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng hạ tầng dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu và dầu thô.

Vì vậy, đối với việc xây dựng Trung tâm dự trữ năng lượng quốc gia riêng, độc lập để quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị cử tri có ý kiến đề xuất với Bộ Công Thương. Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn được giao Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.