Bộ Thông tin và Truyền thông vinh danh 52 giải pháp số Make in Viet Nam xuất sắc
Các giải pháp nền tảng công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, từ đó, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số...
Trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam- VFTE 2022, ngày 8/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022 cho các “Sản phẩm số tiềm năng”, “Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số”, “Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số” và “Sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số”.
Giải vàng Make in Viet Nam 2022 vinh danh các giải pháp về quản lý tiêm chủng vaccine, nông nghiệp thông minh, điện toán đám mây, quản trị tài chính. Đó là các giải pháp phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng thủy sản của Công ty cổ phần RYNAN Technologies Vietnam; Nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 quốc gia của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel; Nền tảng Điện toán đám mây FPT Cloud của Công ty FPT Smart Cloud; Nền tảng quản trị tài chính nhà nước- MISA FinGov của Công ty cổ phần MISA.
Giải pháp phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng hải sản là bước đột phá với sự kết hợp công nghệ đo quang phổ hấp thụ, quang phổ phát xạ, công nghệ IoT, cloud, Big Data và AI. Người nông dân có thể quản lý, giám sát sự biến động của các chỉ tiêu chất lượng nước trong ao nuôi một cách tự động, chính xác, nhanh chóng và hiệu quả về chi phí, giúp người dân tối ưu năng suất và lợi nhuận từ quá trình sản xuất.
Với nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 do Viettel phát triển gồm bốn hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử; Cổng công khai thông tin tiêm chủng phòng Covid-19; Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia; Trung tâm Đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng đến tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng phòng Covid-19. Nền tảng này cũng giúp các cơ quan của Chính phủ nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, hoạt động vận hành logistics... để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp.
Còn nền tảng đám mây thế hệ mới, triển khai trên hệ thống Data Center của FPT đặt tại Hà Nội và TP HCM. Điểm mạnh của FPT Cloud là hạ tầng phù hợp với doanh nghiệp, đáp ứng các workload từ cơ bản đến phức tạp; mô hình bảo mật chủ động đa lớp thế hệ mới. Nền tảng cũng tích hợp AI giúp tối ưu hóa quy trình vận hành. Ngoài ra, sự am hiểu thị trường bản địa cùng nền tảng công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế giúp FPT Cloud có khả năng linh hoạt cao trong việc triển khai dịch vụ đám mây theo đa dạng nhu cầu của thị trường.
Nền tảng quản trị tài chính Nhà nước Misa FinGov là hệ sinh thái hợp nhất các nghiệp vụ quản trị tài chính trên cùng một hệ thống. FinGov chia thành nhiều nghiệp vụ nhỏ và dễ dàng liên thông dữ liệu giữa các nghiệp vụ để tự động hóa quy trình tác nghiệp, tăng năng suất tránh chồng chéo. Sản phẩm được đánh giá góp phần hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia và hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam.
4 giải Bạc lần lượt thuộc về: Metric- Nền tảng số liệu thương mại điện tử của Công ty cổ phần Khoa học dữ liệu; VieOn- Giải pháp truyền tải nội dung số trên hạ tầng Internet của Công ty cổ phần VieOn; Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS của Công ty cổ phần MISA; Siêu ứng dụng MoMo của Công ty cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến.
Hệ sinh thái chuyển đổi số nông nghiệp thông minh Nextfarm của Công ty cổ phần NextVision giành giải Đồng hạng mục “Sản phẩm số tiềm năng”; Thẻ thông minh MK SMART của Công ty cổ phần thông minh MK giành giải Đồng ở hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số”; Giải pháp nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải SLX của Công ty cổ phần giải pháp chuỗi cung ứng SMARTLOG giành giải Đồng ở hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số”; Hệ thống giao thông thông minh Elcom ITS của Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Elcom nhận giải Đồng hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số”.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng trao giải Top 10 các sản phẩm số xuất sắc về Chính phủ số; kinh tế số; xã hội số và sản phẩm số tiềm năng.
Ban tổ chức cho biết, năm nay chương trình nhận được 218 hồ sơ, toàn bộ quy trình được số hóa từ khâu nhận hồ sơ đến chấm giải. Có nhiều sản phẩm chất lượng, một số sản phẩm đạt giải có tính cạnh tranh so với các giải pháp của doanh nghiệp nước ngoài đang phục vụ tại Việt Nam.
Giải thưởng Make in Viet Nam, được tổ chức thường niên vinh danh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam; từ đó, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.