Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thành lập tổ thường trực kiểm tra tiến độ dự án sân bay Long Thành hàng ngày, hàng tuần
Bộ Giao thông vận tải đặt quyết tâm hoàn thành sân bay Long Thành trong năm 2025. Do đó, sẽ thành lập tổ thường trực tại dự án, báo cáo tiến độ hàng ngày, hàng tuần cho lãnh đạo Bộ. Đích thân Bộ trưởng Trần Hồng Minh sẽ trực tiếp kiểm tra tiến độ dự án….
Chiều 10/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cùng đoàn công tác có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về tiến độ dự án sân bay Long Thành.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bách Tùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cho biết dự án sân bay Long Thành có 4 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 là công trình trụ sở của các cơ quan, đơn vị. Hiện 3 trụ sở gồm Cảng vụ hàng không, Cục Quản lý xuất nhập cảnh và công an địa phương có kế hoạch hoàn thành trước 31/12/2025. Còn Trụ sở Hải quan có kế hoạch hoàn thành vào tháng 6/2026. Ngoài ra, trạm kiểm dịch động, thực vật chưa được bố trí vốn nên chưa thể triển khai theo kế hoạch.
Đối với dự án thành phần 2 là các công trình quản lý bay có một gói thầu xây dựng đã hoàn thành. Cụ thể, hai gói thầu xây lắp đang triển khai, đáp ứng tiến độ, dự kiến hoàn thành tháng 9/2025; 5 gói thầu thiết bị chuyên ngành đang lựa chọn nhà thầu, dự kiến hoàn thành 31/12/2025.
Theo ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Quản lý bay, chủ đầu tư dự án thành phần 2 báo cáo, tiến độ các gói thầu đang tốt. Trong đó tháp không lưu đã xong phần thô, vượt tiến độ khoảng 2 tháng. Hệ thống thiết bị cũng đã được ký hợp đồng với các nhà thầu, tất cả đều được lên kế hoạch hoàn thành trước 31/12/2025.
Đối với dự án thành phần 3 về thi công nhà ga, đường lăn sân đỗ, đường cất hạ/cánh theo kế hoạch 30/4/2025 sẽ hoàn thành. Sau được điều chỉnh thêm vài tháng để tổ chức bay hiệu chỉnh, hoàn thiện các hạng mục còn lại. Do đó, về cơ bản đến tháng 7/2025 máy bay có thể cất/hạ cánh ở sân bay Long Thành.
Mặc dù vậy, tại dự án thành phần 3, việc triển khai thi công nhà ga còn nhiều khó khăn. Hạng mục xây dựng có thể vượt tiến độ, nhưng các thiết bị phải đặt từ nước ngoài nên việc đàm phán rút ngắn tiến độ vào tháng 12/2025 là rất khó khăn, đòi hỏi chi phí rất lớn. Song song đó, các gói thầu khác bao gồm một số gói thầu mới khởi công lẫn chưa khởi công cần có thời gian thực hiện, cơ bản sẽ hoàn thành trước tháng 8/2026.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Phiệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), báo cáo hiện tiến độ dự án thành phần 3 đang bám sát kế hoạch. ACV đã vay 1,8 tỷ USD để triển khai dự án, vì vậy chủ đầu tư cũng rất mong muốn hoàn thành càng sớm càng tốt để đưa vào khai thác.
Nói về việc thay đổi tiến độ hoàn thành trước 31/12/2025 (thay vì 9/2026), ông Vũ Thế Phiệt cho rằng chủ đầu tư và các nhà thầu phải điều chỉnh lại kế hoạch, cùng với đó là kinh phí.
Ông Phiệt cho biết, sau khi đấu thầu gói 5.10 - thi công nhà ga, chủ đầu tư và nhà thầu đã thống nhất rút tiến độ xuống 3 tháng so với hợp đồng, tuy nhiên nhà thầu yêu cầu hỗ trợ 1.800 tỷ đồng để tăng thiết bị, nhân lực. Do đó, về tiến độ có thể xây dựng lại theo kế hoạch mới, nhưng đòi hỏi nguồn kinh phí hỗ trợ nhà thầu lớn hơn.
Còn lại dự án thành phần 4 là các công trình khác, do Bộ Giao thông vận tải chủ trì lựa chọn nhà đầu tư, đến nay Bộ đã phê duyệt 6/6 dự án đầu tư và Cục Hàng không Việt Nam đã đàm phán với 3/6 nhà đầu tư. Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất có khả năng khai thác trong tháng 6/2026.
Song song đó, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không, các nhà đầu tư phải tập trung thi công mới có thể hoàn thành trong tháng 6/2026. Riêng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay khó hoàn thành trong tháng 6/2026.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, đối với các dự án đã lựa chọn xong nhà đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam phải khẩn trương khởi công đầu năm 2025.
Đồng thời, phải điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án thành phần 4, đảm bảo khai thác đồng bộ với các dự án thành phần 3 trước ngày 31/12/2025, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của ICAO, IATA và các tiêu chuẩn quốc tế khác như chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong trường hợp cần có cơ chế, chính sách để rút ngắn quy trình thủ tục, nhà đầu tư báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/12/2025 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin thêm, hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet hiện nay đều có trên 100 tàu bay, để bảo đảm tuyệt đối an toàn bay với điểm đầu là từ Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, hai hãng bay này cần có hangar để phục vụ cho bảo trì, sửa chữa tàu bay. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam cần rà soát các quy định đề xuất giải pháp đầu tư hangar và khởi công sớm nhất.
Đối với các hạng mục còn lại, yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương làm việc với ACV và Vietnam Airlines để thống nhất phương án giao lại các công trình còn lại để các đơn vị chủ động triển khai theo nhu cầu khai thác thực tiễn, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Yêu cầu báo cáo để Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ trong tháng 12/2024.
QUYẾT TÂM PHẢI HOÀN THÀNH SÂN BAY LONG THÀNH TRONG NĂM 2025
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh biểu dương tinh thần chủ động của các đơn vị liên quan đồng thời yêu cầu các bên cần chủ động tối đa, không đặt ra mốc hoàn thành cố định mà rút ngắn càng sớm càng tốt.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh đây là thời điểm bàn làm, không bàn khó khăn. Do đó, tư lệnh ngành Giao thông vận tải sẽ thành lập một tổ thường trực tại dự án, báo cáo tiến độ hàng ngày, hàng tuần cho lãnh đạo Bộ. Thứ trưởng phụ trách sẽ vào thường xuyên. Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Minh sẽ kiểm tra chi tiết tiến độ dự án hàng tháng.
Người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải yêu cầu ACV và các nhà thầu phải tập trung tối đa nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ; đàm phán với các nhà thầu mua sắm thiết bị để đưa về càng sớm các tốt, hoàn thành trước 31/12/2025.
Với đường cất hạ cánh thứ hai vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị liên quan sớm triển khai các thủ tục, cần thiết sẽ chỉ định các nhà thầu đã có kinh nghiệm thi công đường băng số 1 để rút ngắn tiến độ và phải xong trước 31/12/2025.
"Đây không chỉ là một sân bay thông thường, mà còn là uy tín, danh dự của ngành Giao thông vận tải, của ACV, nhà thầu và là niềm tự hào với tổ quốc, nhân dân. Nếu có khó khăn gì phải báo cáo ngay. Bộ sẽ lập tổ thường trực tại dự án, báo cáo tiến độ hàng tuần.”
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh lưu ý không để tình trạng khi sân bay đưa vào khai thác mà đường băng bên kia vẫn đang thi công đồng thời yêu cầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tập trung tối đa nhân lực thi công tuyến đường kết nối từ bên ngoài và trước nhà ga sân bay.
Tuyến đường này mới đấu thầu thi công 1 tháng, theo kế hoạch đến tháng 12/2025 hoàn thành. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty Trường Sơn phát huy tinh thần người lính, tổ chức thi công nhiều mũi, chậm nhất tháng 8/2025 hoàn thành để phục vụ khai thác sân bay vào cuối năm.
Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai hỗ trợ cấp phép các mỏ vật liệu để thi công các tuyến đường vào sân bay. Đồng thời, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thi công đường ống cấp nhiên liệu từ cảng Gò Dầu vào sân bay Long Thành.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia. Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai với diện tích 5.364ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm. Dự án được chia thành 3 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn 1 (2021-2025); giai đoạn 2 (2025-2030); giai đoạn 3 (2035-2040).
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9/2026. Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra công trình vào đầu tháng 12/2024, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, hoàn thành trước 31/12/2025 để chào mừng các sự kiện lớn của đất nước.