20:57 14/02/2021

Bộ trưởng Bộ Y tế: "Dịch ở Hải Dương còn khó lường và có thể kéo dài"

Nhật Dương

Tình hình dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể kéo dài hơn, trong đó Cẩm Giàng là địa bàn "đáng quan ngại" nhất

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp chiều mùng 3 Tết. Ảnh - Bộ Y tế cung cấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp chiều mùng 3 Tết. Ảnh - Bộ Y tế cung cấp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin như vậy tại hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương chiều 14/2 (mùng 3 Tết).

ĐÃ XUẤT HIỆN CA BỆNH TRONG CÁC KHU PHONG TOẢ

Báo cáo tại hội nghị, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết, từ một doanh nghiệp ghi nhận ca bệnh ở Chí Linh đến thời điểm ngày 14/2 , Hải Dương đã có 10/12 thành phố, huyện có bệnh nhân Covid-19.

Hải Dương đã phong toả 66 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 103 khu cách ly tập trung, trong đó nhiều nhất là Chí Linh với 29 khu cách ly, tiếp đến là Kinh Môn với 27 khu cách ly.

Nhận định về tình hình của các ổ dịch trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Lương Văn Cầu cho hay, ổ dịch Chí Linh có 234 ca mắc, trong đó có ca xét nghiệm đến lần thứ 3 mới dương tính; 6.099 trường hợp F1 đã xét nghiệm ít nhất 2 lần. "Cơ bản ổ dịch này đã được khống chế", ông Cầu nhấn mạnh.

Về ổ dịch Kinh Môn với 58 ca mắc, trong 7 ngày gần đây chỉ có 9 ca mắc (tất cả đều đã được cách ly); 3.729 F1 đã được xét nghiệm.

Đối với ổ dịch Cẩm Giàng ghi nhận 49 ca mắc, tổng số F1 là 1.550 đã xét nghiệm hết. Tuy nhiên trên địa bàn đã xuất hiện ổ dịch trong khu công nghiệp, trong đó riêng Công ty Kuroda Kagaku có 12 ca mắc. Hiện tất cả công nhân của công ty này (hơn 400 người) đều cách ly tập trung tại các địa phương.

Đối với công nhân tại các tỉnh khác, Sở Y tế Hải Dương đã thông báo đến các địa phương tổ chức cách ly tập trung, theo dõi giám sát công nhân và lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay chưa phát hiện ca bệnh nào là công nhân của công ty này tại các địa phương khác.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho rằng, ổ dịch trên địa bàn này còn diễn biến phức tạp. Hiện tỉnh đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ những người liên quan đến quán karaoke, đang tiếp tục truy vết ổ dịch Nam Sách có 26 ca bệnh, 514 F1 đã xét nghiệm 100%. Hiện ổ dịch này vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên đã bắt đầu xuất hiện ca bệnh trong các khu phong toả...

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương cho hay, dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương ở môi trường phức tạp là khu công nghiệp đông công nhân, lại liên quan mật thiết đến cộng đồng dân cư đông đúc và ảnh hưởng liên quan đến các địa phương lân cận.

Chuyên gia của Bộ Y tế cũng nhận định, tình hình chung về dịch bệnh của Hải Dương còn phức tạp, khó lường với nhiều nguy cơ, khi sau Tết công nhân đi làm trở lại, giao thương nhiều...

Đặc biệt trong điều kiện thực hiện sản xuất tại các khu công nghiệp, vừa phải chống dịch, nhưng vừa phải duy trì sản xuất trong điều kiện bình thường mới (ví như huyện Cẩm Giàng có khu công nghiệp lớn với 60.000 công nhân). Do đó việc thực hiện cách ly nhà với nhà trong các khu cách ly là rất cần thiết.

Ông Dương cũng cho hay, hiện công suất xét nghiệm của Hải Dương đã tăng 20 lần so với ban đầu, trung bình là khoảng 30.000 mẫu gộp/ngày. Tuy nhiên nhu cầu xét nghiệm thời gian tới rất lớn, đặc biệt là khi Hải Dương triển khai xét nghiệm trên diện rộng tại một số địa phương.

HẢI DƯƠNG CẦN PHONG TỎA DIỆN HẸP, GIÃN CÁCH DIỆN RỘNG HƠN

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Chúng tôi đánh giá tình hình dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể kéo dài hơn, nhưng tổng thể chung vẫn kiểm soát tốt tình hình". Theo Bộ trưởng, Cẩm Giàng là địa bàn "đáng quan ngại", cần triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt tại huyện này.

Trước hết, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương cần áp dụng phong toả trên diện hẹp, giãn cách theo Chỉ thị 16 trên diện rộng hơn trên địa bàn Hải Dương để "không phải đuổi theo dịch mà phải chặn dịch, bởi cứ phát hiện ca nào lại đuổi theo ca đó là thất bại".

Tiếp theo là ưu tiên tối đa các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn có dịch, xét nghiệm nhanh chóng. Đặc biệt, cần giải toả cách ly ở khu vực Trường nghề Canada; Trường Chu Văn An và đề nghị giao quân đội những khu vực, địa điểm khu cách ly trên 50 người trở lên.

Đối với Công ty POYUN, Công ty Kuroda Kagaku, cần đưa ra người cách ly khỏi Hải Dương về các tỉnh/thành phố lân cận do quân khu 3 quản lý, và thực hiện tăng cường xét nghiệm trong khu cách ly.

Bộ trưởng Y tế cũng tán đồng chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương liên quan đến khu công nghiệp vẫn giãn cách xã hội và thực hiện sản xuất, nhưng phải thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục hỗ trợ tập huấn, chuẩn bị bộ máy nhân sự của Bệnh viện Dã chiến số 3. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly tại khu dân cư, phương châm 4 tại chỗ vẫn cần triển khai quyết liệt hơn.

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết: "Hải Dương đã trải qua 3 lần xuất hiện đợt dịch Covid-19, chúng tôi đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, chúng tôi đã và đang đặt trạng thái khẩn cấp chống dịch tại Hải Dương ở mức độ cao nhất và triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19", ông Thăng nói và cho biết sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ để thực hiện áp dụng Chỉ thị 16 ở quy mô rộng hơn; tiếp tục phong toả trên diện hẹp; truy vết thần tốc; xét nghiệm nhanh để ngăn chặn tốc độ lây nhiễm của virus".