Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hoàn thành giải ngân tiền thuê nhà trong tháng 8
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ đến ngày 30/8 cả nước phải cơ bản hoàn thành việc giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động, riêng TP. HCM có thể chậm một chút nhưng phải xong trong đầu tháng 9...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc họp đôn đốc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 sáng 12/8.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến sáng 12/8, đã có 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ. Số hồ sơ đã được giải ngân là 17.627 doanh nghiệp với 1.117.107 lao động, hơn 787,9 tỷ đồng (đạt 12,14% so với dự kiến).
Có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Lai Châu và Điện Biên; tỉnh Cao Bằng báo cáo tính đến thời điểm ngày 10/8/2022 không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ. Hiện có 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.
LAO ĐỘNG KHÔNG NHẬN ĐƯỢC TIỀN SẼ TỪ CHỨC
Là một trong 4 địa phương chưa giải ngân, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sơn La thừa nhận khuyết điểm, song cho biết lý cho chậm là vì doanh nghiệp lựa chọn hình thức nộp hồ sơ hỗ trợ một lần.
Theo ông Tuấn Anh, trên địa bàn tỉnh có một khu công nghiệp đang đầu tư với 5 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút khoảng 200 công nhân nhưng chỉ có 13 công nhân đang đi thuê nhà thuộc đối tượng hỗ trợ. “Lý do chậm là doanh nghiệp chọn hình thức nộp hồ sơ hỗ trơ một lần, đến ngày 27/7 tỉnh đã phê duyệt danh sách và dự toán, hôm qua đã thông báo kinh phí cho huyện. Chúng tôi hứa trước 17h30 hôm nay sẽ hoàn thành chi trả”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói và khẳng định sau 17h30 hôm nay (11/8 - PV), nếu người lao động không nhận được tiền sẽ xin được từ chức.
Ngoài 4 tỉnh chưa giải ngân, qua báo cáo của các địa phương, đến nay dù sắp hết hạn nộp hồ sơ hỗ trợ, song số hồ sơ chưa phê duyệt còn rất lớn, đặc biệt tại những địa phương có tỷ lệ người lao động thuộc diện thụ hưởng cao.
Tại TP. HCM, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cho biết, thành phố có số lượng doanh nghiệp và lao động rất lớn, do đó nên cần thời gian thực hiện. Tính đến ngày 12/8, TP. HCM đã tiếp nhận hơn 870.000 hồ sơ (chiếm 26,88%) nhưng mới giải ngân cho trên 272.000 lao động (đạt 8,13%). Việc phê duyệt hồ sơ của quận huyện còn chậm do thận trọng khi triển khai, trùng lắp thông tin, hồ sơ còn thiếu sót…
GIẢI NGÂN CHẬM DO ĐỊA PHƯƠNG TỰ "ĐẺ" THÊM THỦ TỤC
Ghi nhận cố gắng của TP. HCM, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thành phố có xấp xỉ 1 triệu người thụ hưởng hỗ trợ thuê nhà với số tiền trên 1.700 tỷ đồng, tức là chiếm 1/3 cả số lượng đối tượng và tiền giải ngân của gói 6.600 tỷ đồng nên ông rất băn khoăn băn trước tiến độ triển khai hiện nay.
“Trước đây, thành phố rất khó khăn khi phong tỏa để chống dịch Covid-19 nhưng có nhiều cách làm sáng tạo để "không ai bị đói". TP. HCM còn "đem gạo, đem tiền" đến người dân, chi hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ kịp thời kèm hàng triệu túi an sinh tới tận tay bà con”, ông Dung nói.
Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ thuê nhà lần này của thành phố chậm dù rất thuận lợi khi có danh sách được bảo hiểm xã hội xác nhận, có số tài khoản của người lao động. “Đặc biệt, đoàn công tác của Bộ còn phát hiện thành phố "đẻ" nhiều thủ tục khác nhau. Nếu “đẻ” thêm thủ tục xác nhận như giấy phép kinh doanh, tạm trú tạm vắng thì làm sao triển khai nhanh được”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lo ngại.
Do vậy, ông đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng với Bảo hiểm xã hội TP. HCM vào cuộc quyết liệt và có thư gửi Chủ tịch UBND thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai gói 6.600 tỷ đồng. Ông cũng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM tham mưu UBND thành phố có văn bản gửi doanh nghiệp rà soát và gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ thuê nhà cho người lao động trước 15/8. Số đã phê duyệt thì khẩn trương giải ngân, đồng thời yêu cầu xác nhận nhanh hồ sơ đã gửi nhưng chưa được duyệt.
"TP. HCM phải coi đây là việc trọng yếu trong tháng 8 này. Bộ sẽ cử đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và cùng thành phố tháo gỡ. Cần nữa thì đoàn liên ngành của Chính phủ sẽ kiểm tra việc thực hiện của thành phố. Nếu TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ giải ngân xong thì toàn quốc cơ bản xong", Bộ trưởng nêu rõ và nhấn mạnh ngày 30/8 cả nước phải cơ bản hoàn thành việc giải ngân này, riêng thành phố chậm một chút nhưng nhất quyết phải trong đầu tháng 9.
Tại Bình Dương, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay số hồ sơ đã chuyển sang cơ quan cấp huyện phê duyệt là hơn 860.000 lượt người với số tiền 577 tỷ đồng, trong đó số đã chi khoảng 88 tỷ, đạt 15% so với số phê duyệt. Việc giải ngân chậm do một số địa phương mới nhận được kinh phí chiều qua, trước đây phải tạm ứng một số nguồn để chi. “Sau khi nhận đủ kinh phí được cấp chúng tôi sẽ chi trả cho người lao động tại các doanh nghiệp có quyết định phê duyệt. Bình Dương cố gắng hoàn thành tiếp nhận hồ sơ trong ngày 15/8, còn kết thúc phê duyệt vào 31/8”.
Thông cảm với Bình Dương vì có số lao động hỗ trợ lớn, từng là tâm dịch, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc hỗ trợ tiền thuê trọ lần này tỉnh làm rất chậm cả ở việc tiếp nhận hồ sơ đến phê duyệt và chi trả. “Tôi đề nghị lãnh đạo Sở báo cáo Chủ tịch tỉnh về các nội dung chỉ đạo, sau hôm nay tỉnh phải phân công một lãnh đạo tỉnh phụ trách cùng Sở, các ngành để phối hợp, không thể khoán trắng cho ngành Lao động được. Nếu cần tôi sẽ điện trực tiếp cho Chủ tịch tỉnh, cố gắng những hồ sơ duyệt rồi thì chi trả”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho rằng thời hạn duyệt hồ sơ đến 31/8 mà Bình Dương đưa ra là quá chậm. Nhận hồ sơ ngày nào thì phải duyệt luôn, sau đó 2 ngày phải chi trả.
Theo Bộ trưởng, Bình Dương đã làm không đúng quy định, văn bản cấp dưới ban hành vượt thẩm quyền theo thời gian quy định của pháp luật, yêu cầu tỉnh điều chỉnh lại thời gian, chậm nhất nhưng vẫn trong khuôn khổ quy định. “Hai ngày nộp hồ sơ là phải duyệt, không đủ điều kiện thì trả lại ngay, đủ điều kiện thì phải duyệt, duyệt rồi thì phải chi”, Bộ trưởng nói và cho biết, Bộ sẽ có văn bản riêng gửi Bình Dương, thậm chí sẽ có đoàn làm việc với tỉnh. “Không phải vì khó khăn mà ảnh hưởng đến tiến độ hỗ trợ, việc nào ra việc đó, để hoàn thành cho đúng tiến độ”, ông nói.
HOÀN THÀNH CHI TRẢ TRONG THÁNG 8
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, vấn đề này Thủ tướng có đến 4 công điện, Bộ cũng tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra nhưng chuyển động như thế là chậm so với yêu cầu.
Theo Bộ trưởng, việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nhận thức chưa đúng, chưa coi trọng đúng mức vấn đề. Một số nơi còn thờ ơ với chính sách, coi đó là trách nhiệm của riêng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, của bảo hiểm và doanh nghiệp mà chưa tập trung chỉ đạo. Vừa qua, nhờ quyết liệt chỉ đạo, một số địa phương như Trà Vinh, Đồng Nai ngày 4/8 bị phê bình đến nay giải ngân tương đối cao.
Một số nơi phát sinh thủ tục không đúng trong quy định như yêu cầu xuất trình giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký tạm vắng, tạm trú…, cá biệt có nơi phải đưa qua hội đồng nhân dân phê duyệt danh sách. “Những thủ tục này về mặt pháp lý là không đúng, không được phép ban hành những văn bản trái với văn bản quy phạm pháp luật, và phát sinh thêm thủ tục hành chính, vô hình chung chúng ta đang gây khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động. Nhiều nơi kéo dài thời gian phê duyệt hồ sơ, trong quy định nêu rõ phê duyệt hồ sơ từ khi tiếp nhận đảm bảo trong thời gian 2 ngày. Nhưng cá biệt có nơi doanh nghiệp phản ánh với tôi nộp hồ sơ một tháng chưa thấy xu nào về tài khoản cả", Bộ trưởng nói.
Để khắc phục các hạn chế trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị những địa phương hiện nay đang làm tốt phấn đấu tập trung tuyên truyền tiếp nhận hồ sơ, những trường hợp chưa nộp thì phải nộp trước 15/8; những hồ sơ đã tiếp nhận rồi thì khẩn trương thẩm định, phê duyệt; những hồ sơ đã phê duyệt thì ngay lập tức chi tiền cho người lao động theo quy định.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương sau hôm nay, lãnh đạo Sở báo cáo lãnh đạo địa phương những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Bộ trưởng, đề nghị mỗi địa phương cần phân công một lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo việc này.
Về mốc thời gian, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị phải tiếp nhận hồ sơ xong trước ngày 15/8; chậm nhất 30/8 tất cả các địa phương hiện nay tỷ lệ giải ngân thấp phải hoàn thành việc chi trả, còn những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 30 – 40% thì 20 – 25/8 phải xong. “Những địa phương vừa hứa với tôi 20 – 25/8 xong tôi cho bóc băng để nghe lại lời hứa, tỉnh nào hứa thì phải thực hiện cho đúng chứ không phải hứa để đấy”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện việc này. “Làm công khai minh bạch, làm vì dân thì không sợ gì cả, chỉ sợ tiền chạy nhầm chỗ, còn lại không ai động đến chúng ta nếu làm nghiêm túc, cứ mạnh dạn mà làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Kết hợp việc này, theo Bộ trưởng trước mắt sẽ cho kiểm tra việc thực thi tiến độ hỗ trợ, quy trình phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ giao Cục Việc làm, một đồng chí Thứ trưởng tiếp tục tổ chức một số đoàn đi kiểm tra một số địa phương làm tốt để khuyến khích, tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc. Đặc biệt 4 địa phương chưa giải ngân gồm: Phú Yên, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La yêu cầu chậm nhất từ nay đến chủ nhật giải ngân xong cho người lao động. Công khai thông tin trên báo chí về tiến độ, kết quả giải ngân của các địa phương.
Dự kiến, trong tuần tới, đoàn liên ngành sẽ đi kiểm tra làm việc tại một số địa phương như: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh. “Chúng ta phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8”, Bộ trưởng nói thêm.