06:00 13/01/2025

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp cần vươn tới giá trị cao hơn

Chu Khôi

Từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tạo ra nông sản, thực phẩm nhưng đây chỉ là tầng thấp nhất. Trong khi bất kỳ một nông sản nào cũng có giá trị dược liệu, dược phẩm, mỹ phẩm và cả về năng lượng...

Trao đổi với báo chí nhân dịp đầu Xuân Ất tỵ, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sau khi đạt được nền nông nghiệp sản lượng, đã đến lúc chúng ta phải tìm kiếm và vươn tới những giá trị thặng dư cao hơn.

Bộ trưởng đã nhiều lần nói về đa giá trị trong nông nghiệp. Xin ông phân tích cụ thể hơn?

Đến thời điểm này, có thể khẳng định tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã vượt xa mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2025. Chẳng hạn mục tiêu năm 2030 xuất khẩu rau quả đạt 5 tỷ USD, thì nay đã vượt mốc 7 tỷ USD. Với kết quả này, ngành nông nghiệp phải định hướng những nhiệm vụ mới, làm sao để tăng tốc, đột phá hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tạo ra nông sản, thực phẩm. Nếu chỉ khai thác dưới khía cạnh thực phẩm, thì chúng ta mới tận dụng được tầng thấp nhất, trong khi bất kỳ một nông sản nào cũng đều có giá trị dược liệu, dược phẩm, mỹ phẩm và cả năng lượng. Chẳng hạn mật ong, nếu bán dưới dạng thực phẩm thì giá trị không đáng là bao, nhưng nếu chiết xuất ra các sản phẩm mỹ phẩm thì giá trị sẽ cao hơn nhiều lần.

Tôi từng có dịp tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội công du một số quốc gia và nhận thấy rõ rằng, nếu “chậm chân” thì nông sản Việt có thể mất cơ hội mở cửa thị trường ở một khu vực tiềm năng. Đã đến lúc, sản xuất nông nghiệp phải được kết nối để tạo ra đa tầng giá trị hơn, tìm kiếm những giá trị thặng dư cao hơn, để Việt Nam không bỏ lỡ thời cơ trong giai đoạn hiện nay.

Nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi tất yếu. Lâu nay nông dân mới biết cách trồng cây lúa, lấy hạt gạo đem bán, mà đôi khi quên mất rằng rơm rạ, trấu... có thể làm “giá thể”, hoặc làm viên nén cho năng lượng sinh khối. Chúng ta đừng nhìn vào giá trị của một nông sản cụ thể, bởi đó là tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị (bán thô sản phẩm). Nếu cứ giữ cái nhìn cục bộ, đơn ngành, thì rất khó để tăng giá trị cho nông sản.

Ví dụ ở ngành hàng cà phê, lâu nay người dân chỉ quan tâm bán hạt cà phê, với thứ nước pha từ hạt cà phê, vốn chỉ chiếm khoảng 2% giá trị. Trong khi còn hơn 98% giá trị lại bỏ phí. Tương tự, bã cà phê có thể tái sử dụng làm “giá thể”  trồng rau thủy canh, làm phân bón cải tạo đất, thậm chí chế biến thành mỹ phẩm.

 

"Những mô hình về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh như vậy buộc chúng ta phải nghĩ khác đi trong công tác chỉ đạo sản xuất. Thay vì bỏ đi và phải tốn thêm công xử lý để bảo vệ môi trường, chúng ta có thể áp dụng nguyên lý tuần hoàn để không bỏ đi thứ gì. Tôi muốn nhấn mạnh như vậy để thấy rằng kết quả năm 2024 là rất tốt, nhưng với thế giới đang thay đổi chóng mặt, chúng ta vẫn còn dư địa để có thể làm tốt hơn".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Từ những câu chuyện về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh vừa tạo ra được nhiều dòng sản phẩm hơn từ một sản phẩm bỏ đi mà còn có thể giúp bảo vệ môi trường, không để bất cứ thứ gì thành rác. Trong cơn mưa, nhìn xuống đất thì thấy bùn, nhưng nếu nhướng mắt ra xa lại thấy cầu vồng. Muốn thấy cầu vồng thì chắc chắn phải chịu khó một chút. Có lẽ, đó sẽ là tư duy tích cực trước khi bước vào Kỷ nguyên mới.

Xin Bộ trưởng cho biết làm thế nào để rừng, nhất là ở các địa bàn liên quan đến dân tộc thiểu số, sẽ trở thành nguồn lực và thế mạnh để cùng đất nước bước vào Kỷ nguyên vươn mình?

Tôi đã đi rất nhiều địa phương và nhận thấy một nghịch lý: nơi nào trồng lúa thì nghèo, nơi nào có rừng thì càng khó. Lý do là bởi, nhiều khi muốn tạo ra giá trị kinh tế thì lại vướng phải một số luật, như Luật Lâm nghiệp, trong đó có quy định khắt khe về đất rừng.

Chúng ta phải nhận thấy rằng rừng không chỉ là gỗ mà còn là hệ sinh thái đa tầng, đa tán. Trong rừng có rất nhiều tài nguyên bản địa như thảo dược, nấm, sâm… Rừng là cảnh quan là sinh cảnh, là môi trường để đời sống của bà con dân tộc có thể nương tựa, họ có cả văn hóa với rừng, “tâm linh” rừng.

 

"Đối với rừng hay đối với cộng đồng bà con dân tộc, chúng ta không thể chỉ nói bằng nghị quyết hay chính sách, vì bà con rất khó để tiếp cận. Chúng ta phải tạo ra đội ngũ già làng, trưởng bản có tri thức, bởi với bà con đó là chỗ dựa đáng tin cậy".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trước đó, chúng ta chỉ nghĩ rừng để khai thác gỗ, đến khi không khai thác được thì đóng cửa rừng. Có những lúc chúng ta lại khoanh vùng bảo vệ rừng, bằng cách đưa bà con ra bên ngoài. Trong khi đó, với những người đã quen sống với rừng, coi rừng là rất thiêng liêng, là kho báu nuôi dưỡng bao nhiêu thế hệ, thì không cách nào khác là phải tạo ra những hoạt động, tạo ra giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng.

Nhiều người chất vấn tôi về việc kinh phí trả cho bà con để bảo vệ, chăm sóc rừng thấp quá. Tôi trả lời rằng, con người, đôi khi không chỉ quan trọng vấn đề tiền bạc, quan trọng là bà con có hoạt động gì dưới tán rừng. Bà con người Dao, người Mông đều có những bài thuốc nam từ rừng, vậy là đã tạo ra một sản phẩm rồi. Thay vì chỉ đơn thuần trả kinh phí để bà con bảo vệ rừng, thì chúng ta cần tổ chức lại để bà con làm kinh tế dưới tán rừng. Từ đó trở thành những cộng đồng đầy sức sống dưới các tán rừng, kết với với truyền thống văn hóa riêng của từng dân tộc.

Chúng ta hãy trao cho bà con “quyền” chứ không chỉ đưa gạo, lương thực để cứu trợ hay đem tiền để người ta yêu quý rừng. Tôi đã trình bày với Thủ tướng Đề án phát huy đa dụng giá trị hệ sinh thái rừng, cùng với đó sẽ sửa đổi Luật Lâm nghiệp. Chúng tôi chuẩn bị trình một nghị định về khai thác giá trị dược liệu dưới tán rừng. Nhiệm vụ của chúng ta là tổ chức lại và hướng dẫn cách trồng, quy trình canh tác cây dược liệu làm sao để không phá vỡ hệ sinh thái nguyên sinh của rừng.

Ngoài phát triển kinh tế từ rừng, còn có thể cho thuê dịch vụ môi trường rừng, cho thuê đất rừng để bà con làm du lịch cộng đồng. Khi làm du lịch thì tất cả các tài nguyên bản địa từ tre nứa, thuốc thảo dược… sẽ trở thành sản phẩm bán cho du khách. Tri thức bản địa cũng là thứ có thể bán được, tất cả được tích hợp thành những nguồn lợi.

Trên rừng đã vậy, nhưng khi nhìn xuống biển, chúng ta cũng chưa phát huy được hiệu quả giá trị của biển, thưa Bộ trưởng?

Những năm gần đây, khi nói về khai thác tiềm năng biển, đa số đều nghĩ đến thẻ vàng của EU (IUU), hoặc tình trạng bà con ngư dân dùng mìn, thuốc nổ khai thác thủy sản, thậm chí  bị mất kết nối tàu thuyền. Nhưng biển đâu chỉ có con cá, con tôm, còn biết bao rặng san hô, những rong sụn, rong nho cho sinh kế bền vững, góp phần tạo tín chỉ carbon. Đó là một nền kinh tế mà chúng ta chưa thực sự dấn sâu vào. Đã có một vài doanh nghiệp thử nghiệm tại Khánh Hòa, nhưng rõ ràng chúng ta chưa thể sánh với người Hàn Quốc, Nhật Bản. Sáng nào họ cũng ăn  rong biển giàu dinh dưỡng. Với họ, đó thực sự là một ngành kinh tế, một giá trị bền vững.

Đối với bà con ngư dân, thay vì quanh quẩn trong khu vực Biển Đông và tiềm ẩn nguy cơ bị cảnh báo thẻ vàng IUU, vì sao chúng ta không thành lập những đội tàu viễn dương, vượt ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế để tới những quốc đảo ở Thái Bình Dương, nơi có nguồn thủy hải sản trù phú? Tôi từng trao đổi với lãnh đạo một số quốc gia có vùng biển chồng lấn với Việt Nam. Họ đề nghị phương án cùng thành lập các đội tàu đi khai thác xa bờ. Ở đó, Nhà nước sẽ cùng đầu tư hiện đại hóa những con tàu, đồng thời hướng dẫn cho người dân biết luật pháp, biết kỹ năng bảo quản thủy sản khai thác.

Một doanh nghiệp đơn lẻ muốn khai thác lĩnh vực này thì chẳng khác nào “một lá tre nhỏ nhoi” trên biển. Nhưng nếu chúng ta hình thành một tập đoàn đa ngành, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước và định hướng rõ ràng là muốn hiện diện quyền, lợi ích quốc gia ở đó, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ tránh được cảnh “rụt rè” khi được hưởng cơ chế, chính sách bảo hiểm.

Việt Nam có hơn 33 triệu hec ta đất liền và khoảng 100 triệu hec ta  mặt biển, nhưng nông nghiệp trong thời đại mới, có lẽ đã đến lúc phải vượt khỏi địa giới quốc gia, hành chính. Chúng ta có thể hợp tác trồng trọt với nhiều quốc gia, gần thì có Lào, Campuchia, xa hơn là các nước châu Phi và một số quốc gia, vùng lãnh thổ. Họ đã đến Việt Nam đặt vấn đề hợp tác về nông nghiệp...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2025 phát hành ngày 13/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp cần vươn tới giá trị cao hơn - Ảnh 1