14:38 20/08/2019

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Miền Trung vẫn thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm”

KIỀU LINH

Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế miền Trung khởi sắc, phát triển khá đồng đều trong cả 14 tỉnh của Vùng. Dù vậy, khu vực này vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị phát triển vùng miền Trung sáng 20/8 tại Bình Định.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị phát triển vùng miền Trung sáng 20/8 tại Bình Định.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển vùng miền Trung sáng 20/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế miền Trung khởi sắc, phát triển khá đồng đều trong cả 14 tỉnh của Vùng. 

Kinh tế vùng phát triển nhưng các tỉnh còn thiếu liên kết

Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt khoảng 10,36%/năm (cao hơn mức bình quân cả nước) nhờ sự đóng góp của các công trình, dự án công nghiệp động lực như: dầu khí, luyện thép, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo...  Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có bước phục hồi nhanh sau sự cố ô nhiễm môi trường biển năm 2016, bình quân đạt 3,62%/năm.

Thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán các năm trong giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng thu nội địa bình quân đạt 14,2%/năm (cao hơn mức bình quân cả nước là 9,66%/năm); tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm toàn Vùng đạt bình quân 330.000 tỷ đồng/năm, tăng bình quân 7%/năm, chiếm 20% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cả nước.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lũy kế đến tháng 6 năm 2019, tổng vốn FDI của Vùng thu hút đạt gần 58 tỷ USD, chiếm 16,3% vốn FDI cả nước.

Các khu kinh tế ven biển đã thu hút nhiều dự án FDI, dự án đầu tư trong nước quy mô lớn, có sức lan tỏa mạnh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng các ngành công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung như dự án lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất, dự án thép Formosa, dự án ôtô Trường Hải,...

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, miền Trung đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. 

Quy mô kinh tế vùng còn khiêm tốn, động lực tăng trưởng của Vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 4 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. 

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Tỷ trọng GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm so với GDP cả nước trong giai đoạn 2016 - 2018 có xu hướng giảm, năm 2016 chiếm 7,89%, năm 2017 là 7,79%, đến năm 2018 chiếm 7,84%.

Thu hút đầu tư FDI vào vùng còn thấp, chủ yếu dự án vừa và nhỏ. Các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tâm lý e ngại khi đầu tư vào vùng thường gặp thiên tai, bão lũ và giao thông chưa thật sự thuận tiện.

"Thiếu sự liên kết vùng, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau; công tác phối hợp giữa các địa phương trong Vùng còn rất hạn chế; chưa hình thành được sự kết nối về chiến lược, các tỉnh, thành phố không phát huy được lợi thế so sánh của mình", Bộ trưởng Dũng cho biết.

Đưa ven biển miền Trung thành vùng kinh tế biển mạnh

Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, các địa phương phối hợp thực hiện một số giải pháp nhằm đưa ven biển miền Trung thành vùng kinh tế biển mạnh của cả nước.

Đầu tiên, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch Vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch, trong đó lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm. Đưa vào quy hoạch xây dựng đường ven biển; xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch. Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông - Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên.

Thứ hai, tăng cường liên kết Vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển. Tập trung xây dựng các đô thị ven biển có điều kiện và lợi thế làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển và trở thành các trung tâm kinh tế của từng tiểu vùng.

Bên cạnh đó, phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội vùng, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Tiếp tục có kế hoạch đầu tư hoàn thành tuyến đường ven biển, đường nối từ khu vực ven biển lên Tây Nguyên; kết nối các tuyến đường cao tốc trong Vùng; Sớm đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam khổ 1,4 m. 

Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn bộ máy vùng, trao đủ thực quyền ra quyết định cho Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ. Sớm xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các tỉnh, thành phố thuộc miền Trung, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, tiến độ các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn.

"Cuối cùng, phải kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo công tác phòng thủ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.