16:10 14/07/2021

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Làm thế nào để số hóa toàn diện xã hội sau Covid

Đỗ Phong

Cách tốt nhất để đánh giá chính quyền số, kinh tế số và xã hội số là xem nó phản ứng như thế nào với những tình huống đặc biệt...

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh điều này khi phát biểu về cơ hội trong chuyển đổi số của các địa phương tại hội nghị trực tuyến đối thoại phát triển địa phương 2021 với chủ đề: “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới". Sự kiện do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức ngày 13/7/2021.

PHẢN ỨNG NHANH VÀ HIỆU QUẢ HƠN VỚI NHỮNG THAY ĐỔI PHỨC TẠP

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Covid thì giảm tiếp xúc, có khi giãn cách xã hội hoặc cách ly. Chính quyền số là chính quyền có khả năng cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến.

"Do Covid nên không đến siêu thị, không mang quả vải thiều ra chợ bán được. Kinh tế số là các sàn thương mại điện tử, là giao hàng tận nhà, là quả vải thiều của bà con có thể bán đến mọi hộ gia đình Việt Nam", Bộ trưởng phân tích.

 
Chuyển đổi số là nhằm làm cho chính quyền hiện đại hơn, thông minh hơn và có sức chống chịu cao hơn.

Covid nên không đến cơ quan nhưng các nền tảng số sẽ giúp mọi người làm việc tại nhà, họp trực tuyến.

Cũng do Covid nên học sinh không đi học trực tiếp được. Học trực tuyến là mức tối thiểu. Bộ trưởng cho rằng, mức cao hơn là chính quyền có cho phép 20-30% số môn được học online, thi online không? Nhà nước có cấp phép cho đại học số không để gần như 100% học online, thi online, ai ở đâu cũng được, học lúc nào cũng được, thực hành phòng Lab ảo, thi lúc nào cũng được và khi đủ tín chỉ, chứng chỉ thì cấp bằng.

Covid thì hạn chế đến bệnh viện. Vậy có ứng dụng nào để người dân có thể tư vấn khám chữa bệnh từ xa không? Một người nông dân ở xã biên giới có thể tiếp cận online với bác sỹ chuyên khoa hàng đầu cả nước không? Nếu có, đó là xã hội số.

Một người F0 sẽ bị truy vấn 14 ngày qua đã tiếp xúc những ai, đã đi qua những đâu. Nhưng làm sao mà người đó có thể nhớ nổi. Chính quyền có công nghệ truy vết nào giúp họ nhớ lại không? Đưa ra câu hỏi, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho biết, mạng di động sẽ ghi nhận họ đã đi qua các khu phố nào, QRC sẽ ghi nhận đã ra vào các cơ sở nào, Bluezone sẽ ghi lại các tiếp xúc gần.

Việc truy vết sẽ trở nên đơn giản và chính xác, đỡ vất vả cả cho cả chính quyền và người dân. Truy vết nhanh và chính xác sẽ không phải giãn cách diện rộng, không phải cách ly, phong toả nhiều và vì thế, các hoạt động kinh tế- xã hội vẫn có thể diễn ra. Đó là chính quyền số.

Ngoài ra, khi đi xét nghiệm, tiêm vaccine phải xếp hàng dài và chen chúc để đến lượt, để lấy giấy chứng nhận, nguy cơ lây nhiễm lại tăng cao hơn. Vậy có cách nào để đăng ký trước, đến giờ thì tới và cấp chứng nhận điện tử về xét nghiệm, tiêm vaccine qua điện thoại di động không? Nếu có, đó là chính quyền số.

“Phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn với những thay đổi nhanh, phức tạp và khó lường là dấu hiệu của quản trị hiện đại. Mỗi thách thức mới lại tạo ra một sự phát triển mới, đó là chính quyền thông minh. Chuyển đổi số là nhằm làm cho chính quyền hiện đại hơn, thông minh hơn và có sức chống chịu cao hơn”, Bộ trưởng nói.

CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC BÀI TOÁN HÓC BÚA

Covid-19 chính là cú huých trăm năm để đẩy nhanh chuyển đổi số. Việt Nam nên làm gì trong tình huống này để trở thành một trong số các quốc gia đi đầu về chuyển đổi số, để sau Covid sẽ xuất hiện ở một trạng thái mới- một xã hội được số hoá toàn diện.

 
Để chuyển đổi số, 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo, là tri thức của hệ thống chính quyền; còn công nghệ chỉ chiếm 30%.

Kỷ nguyên số hoá đã bước vào giai đoạn ba, là giai đoạn số hoá tổ chức, số hoá theo chiều ngang, đưa toàn bộ hoạt động của tổ chức lên môi trường số, thay đổi cách vận hành, là chuyển đổi số.

Hai giai đoạn trước gồm: giai đoạn một là số hoá thông tin và giai đoạn hai là số hoá qui trình, số hoá từng chức năng theo chiều dọc, ứng dụng công nghệ thông tin.

Chuyển đổi số ở Việt Nam có sự khác biệt. Theo Bộ trưởng, đặc điểm lớn nhất của chuyển đổi số ở Việt Nam là ba trong một. Thực hiện chuyển đổi số cả tổ chức cùng với việc số hoá dữ liệu (như số hoá các văn bản lưu trữ), số hoá qui trình (như số hoá công tác tổ chức cán bộ, tài chính kế toán). Ba trong một cùng với việc sử dụng những công nghệ số mới nhất sẽ giúp công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn và rẻ hơn.

Vì giai đoạn một và hai chưa làm được nhiều nên Việt Nam có cơ hội ứng dụng những nền tảng số hiện đại nhất để đẩy nhanh chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số, 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo, là tri thức của hệ thống chính quyền; còn công nghệ chỉ chiếm 30%. Sự thông minh của máy tính đầu tiên là do tri thức của hệ thống chính quyền. Những người xuất sắc nhất của chính quyền phải tham gia cùng người làm công nghệ.

Chuyển đổi số là để giải quyết bài toán nan giải làm việc hybrid (nửa trên máy tính, nửa ngoài máy tính), rất khó kiểm soát hoạt động của nhân viên. Vì vậy, nhiệm vụ của chuyển đổi số là đưa mọi hoạt động của chính quyền lên môi trường số. Nhân viên sẽ làm việc chỉ trên một môi trường duy nhất, kết thúc giai đoạn hàng chục năm qua là nửa này nửa kia.

Theo Bộ trưởng, một trong những việc quan trọng nhất của chính quyền là cung cấp dịch vụ công. Bởi vậy, việc đầu tiên của chính quyền online là 100% dịch vụ công lên online. Hiện nay, 60% dịch vụ công của các Bộ/ngành và địa phương đã lên online và mục tiêu là 100% vào cuối năm nay. “Địa phương nào muốn làm nhanh, trong 1-2 tháng đạt 100% dịch vụ công trực tuyến thì liên hệ với Cục Tin học hoá để được hỗ trợ”, Bộ trưởng nói.

SỨC MẠNH TỪ CÁC NỀN TẢNG SỐ DÙNG CHUNG

Người Việt ứng biến nhanh nhưng kiến thức nền tảng thì ít chú ý. Các quyết định nhiều khi trực quan, ít dựa trên sở cứ và dữ liệu. Tuy nhiên, nếu mỗi chúng ta có một trợ lý am hiểu luật pháp và nghiệp vụ, làm việc 24/7 thì các tai nạn pháp lý, nghiệp vụ sẽ giảm thiểu. Đó là trợ lý ảo nhưng giao diện bằng ngôn ngữ nói tự nhiên thông qua điện thoại thông minh. Càng dùng nhiều thì trợ lý này sẽ càng thông minh và trợ giúp càng đắc lực.

Một khó khăn khác của các địa phương cần tháo gỡ là đào tạo qui trình làm việc. Mỗi lần có thay đổi về qui định mới lại phải đào tạo, huấn luyện hàng chục, hàng trăm ngàn người.

 
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các nền tảng này. Vấn đề còn lại là chính quyền thay đổi, điều chỉnh thể chế để chấp nhận các mô hình vận hành mới trên không gian mạng. 

Tuy nhiên, nếu như làm việc trên một nền tảng số, các qui định và qui trình được tích hợp và mọi hoạt động đều diễn ra trên nền tảng này, thì cái hay quên nhất, dễ nhầm nhất là qui trình không bao giờ bị sai.

Và khi có thay đổi, một qui trình mới chỉ cần lập trình lại nền tảng thì cả trăm ngàn người sẽ làm việc theo qui trình mới giống nhau, như đã qua cả năm đào tạo. "Đây cũng là cách tốt nhất để nâng cao mặt bằng của đội ngũ công chức, viên chức", Bộ trưởng nói.

Một trong những yếu tố quyết định thành công và hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin là hãy biến nó thành một nền tảng làm việc của toàn bộ tổ chức. Quản trị thực thi sẽ rất khó thực hiện nếu như mọi người không làm việc trên một nền tảng số dùng chung.

Với những khó khăn trong đào tạo tri thức chuyên môn, ông Hùng cho rằng, nếu có một nền tảng đào tạo online, mọi người có thể tự học, tự thi lúc rảnh rỗi thì vấn đề sẽ được giải quyết. Các địa phương cần có một nền tảng đào tạo trực tuyến.

Vấn đề chuyển đổi số luôn cần phải hướng tới người dân. Việc xây dựng các nền tảng hỗ trợ người dân nên được coi là công việc của chính quyền. Trong chuyển đổi số chính quyền, nội dung quan trọng là chuyển đổi số đối tượng phục vụ.

Theo Bộ trưởng, công khai thông tin để người dân có thể truy cập qua mạng là bước đầu tiên. Một trợ lý ảo để người dân có thể hỏi các vấn đề pháp lý, dịch vụ công là bước tiếp theo. Một nhà tư vấn ảo, để người dân đưa vào các thông tin, hỏi nên làm gì là chuyển đổi số mức cao…