22:48 09/06/2010

“Bộ trưởng rút ra bài học gì từ hiện tượng Hy Lạp?”

Nguyên Bình

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh sẽ là thành viên Chính phủ đầu tiên sẽ trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã giải trình một phần chất vấn cùa đại biểu ngay từ khi Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội- Ảnh: TTXVN.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã giải trình một phần chất vấn cùa đại biểu ngay từ khi Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội- Ảnh: TTXVN.
Sáng mai (10/6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh sẽ là thành viên Chính phủ đầu tiên sẽ trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội.

Ông cũng là vị bộ trưởng hiếm hoi trong danh sách các thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp này xuất hiện tại hành lang Quốc hội vào giờ giải lao của phiên họp toàn thể sáng 9/6.

Không dành nhiều thời gian cho báo chí như mọi khi, song ông cũng cho biết sẽ trả lời tất cả các câu hỏi của đại biểu trên tinh thần “trách nhiệm đến đâu trả lời đến đấy”.

Những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm như khắc phục bội chi ngân sách, kiềm chế lạm phát, phòng ngừa rủi ro trong vay nợ chính phủ, vay nợ quốc gia…, theo Bộ trưởng Ninh, cũng đã được giải đáp một phần tại các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách từ đầu kỳ họp đến nay.

Người đứng đầu ngành tài chính cũng đã nhận được khá nhiều chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội. Song, theo ông thì chưa chắc đại biểu đã nhắc lại những câu hỏi đó khi đối thoại trực tiếp trên diễn đàn.

Vậy, những vấn đề nào được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm tại những chất vấn đã được gửi đến Bộ trưởng Ninh?

Theo đại biểu Phan Trung Lý, một trong những nguyên nhân sụp đổ của nền kinh tế Hy Lạp sau nhiều năm phát triển với tốc độ tăng trưởng cao (trên 8%) GDP là sự mất cân đối thu chi, chủ yếu là “vay để chi”, thao túng kinh tế ngầm và trốn thuế.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, tình trạng này không chỉ có ở Hy Lạp mà còn có ở nhiều nước khác. Nếu các nước này không kịp thời rút kinh nghiệm khắc phục thì sớm muộn gì cũng đi theo “vết xe đổ” của Hy Lạp.

"Bộ trưởng rút ra bài học gì từ hiện tượng Hy Lạp để làm lành mạnh nền tài chính nước ta? Tình trạng trốn thuế, kinh tế ngầm ở nước ta diễn ra ở mức độ nào? Biện pháp Bộ trưởng tham mưu cho Chính phủ để ngăn chặn tình trạng này là gì?", đại biểu Lý đặt hàng loạt câu hỏi.

Đại biểu Danh Út chất vấn về giải pháp để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu và sự công khai, công bằng trong tăng giá, giảm giá. Vì, theo đại biểu Út người tiêu dùng luôn bị các doanh nghiệp “làm giá”.

Cụ thể hơn, đại biểu Út hỏi, trong năm 2009 và quý 1/2010, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty Phân bón Miền Nam kinh doanh lỗ hay lời, có thực hiện kê khai, niêm yết giá hay không?

Nêu tới ba câu hỏi về ba vấn đề khác nhau là đại biểu Nguyễn Hữu Phước. Vị đại biểu này muốn nhận được câu trả lời xem nếu người trồng lúa không lãi được bình quân 30% so với giá thành sản xuất thì trách nhiệm thuộc về ai.

Và, quan điểm của bộ trưởng thế nào khi Nhà nước cần một miếng đất của dân thì được áp theo giá của UBND tỉnh, và Nhà nước cần bán một miếng đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước thì lại đem ra đấu giá (trong khi hai miếng đất gần nhau, điều kiện như nhau!).

Ông Phước cũng chuyển tới bộ trưởng nỗi băn khoăn vì sao khi tính thuế chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở lại thu theo giá giao dịch bên ngoài mà không thu theo giá UBND tỉnh ban hành (thấp hơn).

Thu ngân sách cao nhưng không giảm bội chi, sử dụng ngân sách sao cho hiệu quả… có mặt ở đa số các chất vấn gửi tới vị “tư lệnh’ ngành tài chính.

Không trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm và thứ sáu, song từ kỳ họp thứ tư trở về trước, Bộ trưởng Ninh chưa vắng mặt tại vị trí người trả lời chất vấn với bất cứ kỳ họp nào của Quốc hội khóa 12.

Ông đã từng chia sẻ với báo chí “chắc là cái nghiệp của tôi nó như thế rồi”. Và khi trả lời chất vấn thì "tùy cơ ứng biến", nhưng ông cho rằng, cách tốt nhất là cứ thẳng thắn mà nói không loanh quanh thì đại biểu sẽ dễ hiểu. “Điều gì đã thuộc về trách nhiệm của bộ ngành mình thì mình nói. Nhưng vấn đề nào đã không thuộc trách nhiệm của mình thì mình biết đến đâu nói đến đấy”.

Tiếp sau Bộ trưởng Bộ Tài chính, trọn thời gian của phiên họp buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng sẽ  trả lời chất vấn về các vấn đề: quản lý Nhà nước trong thi công các dự án công trình giao thông, hạn chế thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng, an toàn; xử lý vi phạm pháp luật, hạn chế tai nạn, chống ùn tắc giao thông…

Ngày 11/6, hai vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp và văn hóa, thể thao, du lịch sẽ tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Và sáng 12/6, phần chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sẽ khép lại hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Tất cả các phiên chất vấn đều được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi, giám sát.