Bộ trưởng than phiền về "con gà quả trứng" trong đầu tư công
Nếu tiếp tục dàn trải ở khâu bố trí vốn chi tiết cho từng dự án thì sự dàn trải và lãng phí trong đầu tư công sẽ tăng theo cấp số nhân
Vấn đề “con gà, quả trứng” phát sinh, lúng túng và chưa thống nhất trong khâu xử lý - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu hạn chế trong đầu tư công.
Là một trong bốn vị bộ trưởng sẽ đăng đàn trước Quốc hội trong các phiên chất vấn từ 13-16/6, Bộ trưởng Dũng sẽ phải trả lời về “Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công. Trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia”.
Báo cáo về nội dung này đã được Bộ trưởng gửi đến các vị đại biểu.
Bộ bị "đổ oan"
Liên quan đến nội dung về đầu tư công, Bộ trưởng trình bày khá kỹ về quy trình phân bổ, sau đó nêu những thuận lợi và khó khăn trong quá trình cân đối, tổng hợp kế hoạch.
Một trong những khó khăn được Bộ trưởng báo cáo với Quốc hội là việc mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng nguồn vốn dẫn tới tình trạng co kéo trong bố trí vốn đầu tư tại các bộ, cơ quan, địa phương, bố trí không đủ tỷ lệ, không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, không rõ ràng về sắp xếp thứ tự ưu tiên, kéo dài thời gian thực hiện dự án, bố trí vốn dài trải.... Trong một số trường hợp, bộ, cơ quan, địa phương cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn thiếu, nhưng theo quy định, việc lựa chọn danh mục dự án và bố trí cụ thể cho từng dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương.
Theo Bộ trưởng, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương với Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nhiều bất cập, nhất là trong khâu rà soát và hoàn chỉnh phương án phân bổ vốn, bố trí vốn cho từng dự án cụ thể, không đáp ứng được yêu cầu về thời gian và tính chính xác của số liệu, thông tin của từng dự án, dần tới kéo dài thời gian hoàn chỉnh phương án, tổng hợp phương án và giao vốn.
Bộ trưởng cũng "than thở" về vấn đề “con gà, quả trứng” phát sinh, lúng túng và chưa thống nhất trong khâu xử lý. Cụ thể: khi lập kế hoạch đầu tư công, phải có danh mục dự án (dự án có trước) đăng ký kế hoạch thì mới xác định được khả năng cân đối nguồn vốn (nguồn vốn có sau). Nhưng ở chiều ngược lại, để phê duyệt được chủ trương đầu tư 1 dự án và đưa vào đăng ký kế hoạch thì phải dự kiến được khả năng cân đối nguồn vốn (nguồn vốn có trước) mới phê duyệt được chủ trương đầu tư và mới có dự án (dự án có sau) để đăng ký kế hoạch.
Hệ quả của vấn đề này là mất rất nhiều thời gian để thống nhất cách tiếp cận và hoàn thiện thủ tục của các dự án đầu tư công - báo cáo nêu rõ.
Lãng phí có thể tăng theo cấp số nhân
Nhận diện lãng phí trong đầu tư công, Bộ trưởng cho rằng thiết kế, xây dựng chính sách, chương trình được xem là phần lãng phí lớn nhất, có ảnh hưởng rộng rất. Việc tham mưu, ban hành các chính sách không phù hợp với thực tiễn, trong bối cảnh nguồn lực có hạn dẫn tới việc thực hiện không hiệu quả, không đồng bộ, không có tác dụng kiến tạo phát triển, thậm chí còn cản trở sự phát triển.
Quá nhiều chính sách mới trong khi nguồn lực hạn chế dễ dẫn tới tình trạng dàn trải ngay từ khi cân đối nguồn vốn. Nếu tiếp tục dàn trải ở khâu bố trí vốn chi tiết cho từng dự án thì sự dàn trải và lãng phí sẽ tăng theo cấp số nhân - Bộ trưởng lo lắng.
Về giải pháp chống lãng phí, Bộ trưởng cho rằng, trong khi chờ hoàn thiện thể chế pháp luật về đầu tư công, các bộ, cơ quan, địa phương vẫn cần nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý đầu tư công hiện hành, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công, trong đó đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án. Làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư công, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí.