Quốc hội thảo luận vòng hai về chính sách mới xử lý nợ xấu
Kết quả thảo luận vòng một cho thấy vẫn còn khá nhiều băn khoăn với sự cần thiết cũng như quy định cụ thể của chính sách mới về xử lý nợ xấu
Ngày 12/6 Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ 4 của kỳ họp thứ ba. Chiều cùng ngày, dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tố chức tín dụng sẽ được thảo luận vòng hai tại hội trường.
Vì là phiên thảo luận cuối cùng trước khi được thông qua nên lần này Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
Trước phiên thảo luận, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã gửi đến các vị đại biểu báo cáo tổng hợp thảo luận tại tổ và hội trường (vòng 1) về nôị dung nói trên.
Báo cáo cho thấy vẫn còn khá nhiều băn khoăn với sự cần thiết cũng như quy định cụ thể của chính sách mới này.
Gần một nửa mâu thuẫn với luật
Bên cạnh các ý kiến đồng ý với sự cần thiết ban hành nghị quyết, báo cáo phản ánh khá nhiều quan điểm khác.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, một số ý kiến băn khoăn vì dự thảo nghị quyết mới được bổ sung vào nội dung kỳ họp, đề nghị làm rõ việc tách riêng nghị quyết này với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng để bảo đảm tính ổn định, lâu dài trong việc thi hành, bảo đảm tính hợp lý.
Theo một số ý kiến khác thì việc thông qua nghị quyết tại kỳ họp này quá gấp, cần cân nhắc việc thông qua theo quy trình một kỳ họp, nếu thông qua theo quy trình hai kỳ họp thì có thêm thời gian xem xét nghị quyết kỹ hơn và lấy thêm ý kiến của các bên liên quan.
Vòng thảo luận thứ nhất, đại biểu đề nghị cân nhắc việc luật hóa các quy định, băn khoăn về việc nghị quyết tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hơn là cho các đối tượng khác. Mặt khác, việc ban hành nghị quyết theo thủ tục rút gọn (ngay trong một kỳ họp của Quốc hội - PV) có thể tạo thành tiền lệ, cần lấy ý kiến đánh giá của Bộ Tư pháp đối với dự thảo nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị Quốc hội thay vì ban hành nghị quyết này thì ban hành nghị quyết thí điểm cho Công ty quản lý tài sản tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực hiện một số quyền và nhiệm vụ để chủ động hơn trong xử lý tài sản theo cơ chế thị trường - báo cáo nêu rõ.
Đại biểu còn đề nghị rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật liên quan, những quyết định quan trọng đến chất lượng, hiệu quả giám sát để sửa đổi, bổ sung, hoặc yêu cầu thí điểm một hoặc một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết nguyên nhân chính của nợ xấu chứ không nên ban hành một nghị quyết mà gần một nửa nội dung mâu thuẫn với luật hiện hành.
Nghị quyết cần bảo đảm tính minh bạch,bảo đảm trước khi xử lý tài sản theo quy trình thủ tục, phải xử lý trách nhiệm các đối tượng vi phạm, gây nợ xấu cao - đại biểu lưu ý.
Để đảm bảo tính khả thi, môt số vị cho rằng Chính phủ cần quan tâm đặc biệt đến việc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ các quy định, tránh để lạm quyền thu giữ và lạm dụng cơ quan nhà nước trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Sẽ không khả thi nếu không dùng ngân sách
Giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận toàn thể ngày 7/6 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khằng định sẽ không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu.
Đây cũng là ý kiến của nhiều vị đại biểu qua thảo luận vòng một.
Tuy nhiên, Tổng thư ký phản ánh, một số ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc không nên bổ sung quyên tắc này. Vì, việc bổ sung nguyên tắc này phù hợp với tình hình ngân sách hiện nay nhưng theo kinh nghiệm quốc tế thì rất cần bàn tay của nhà nước, cần dùng ngân sách xử lý nợ xấu.
Xử lý nợ xấu không có tiền thật sẽ rất khó, tổ chức tín dụng tự xử lý có giới hạn, nên sẽ không khả thi nếu không dùng ngân sách nhà nước - báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu nêu rõ.
Đại biểu cũng cho rằng, VAMC là doanh nghiệp do Nhà nước cấp vốn, nếu không có tiền thì VAMC không xử lý được nợ xấu. Mặt khác, nợ xấu có liên quan đến doanh nghiệp nhà nước nên cần có trách nhiệm của Nhà nước trong xử lý nợ xấu dựa trên khả năng nguồn ngân sách nhà nước. Cần phân biệt rõ đối với nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ theo các chương trình dự án do Chính phủ chỉ định… thì phải sử dụng ngân sách để xử lý.
Một số ý kiến cho rằng, trong thực tế vẫn phải sử dụng ngân sách nhà nước một cách gián tiếp để xử lý nợ xấu, nên nếu quy định nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu thì không hợp lý.
Vẫn liên quan đến quy định về nguyên tắc, báo cáo cho biết nhiều quan điểm khác. Như, cần bổ sung đầy đủ các nguyên tắc xử lý nợ xấu: nguyên tắc xử lý tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu theo chủ quan, bổ sung nguyên tắc đấu giá đối với bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, bổ sung nguyên tắc khách quan trong xử lý nợ xấu.
Có ý kiến đề nghị làm rõ nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, cần phát huy vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong xử lý nợ xấu.
Đại biểu khác đề nghị yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tăng thêm quỹ trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.
Bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người liên quan, bên cạnh chủ nợ và người vay tiền cũng là quan điểm được đưa ra tại vòng thảo luận thứ nhất.
Ngoài nội dung trên, đại biểu Quốc hội còn quan điểm nhiều chiều về khái niệm, tiêu chí xác định nợ xấu, quyền thu giữ tài sản bảo đảm, việc miễn thuế, phí...
Theo nghị trình, sáng 21/6 Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghi quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.