07:57 31/03/2015

Bộ trưởng Vinh “choáng với GDP quý 1”

Song Hà

Một số thành viên và lãnh đạo Chính phủ không tin rằng, GDP quý 1/2015 có thể đạt trên 6%

Chủ trì cuộc họp chiều muộn 30/3, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, hiện nay chưa có căn cứ để điều chỉnh tỷ giá, chưa có cơ sở để giảm giá VND.<br>
Chủ trì cuộc họp chiều muộn 30/3, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, hiện nay chưa có căn cứ để điều chỉnh tỷ giá, chưa có cơ sở để giảm giá VND.<br>
“Khi tôi đi công tác ở Úc và New Zealand, anh Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có nhắn GDP quý 1, tôi hơi choáng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại cuộc họp của tổ điều hành kinh tế vĩ mô chiều tối 30/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

“Chưa có cơ sở để giám giá VND”

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, tình hình kinh tế vĩ mô quý 1/2015 tiếp tục xu thế ổn định và tốt hơn, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng dương, thu ngân sách đảm bảo tiến độ so với dự toán mặc dù chịu tác động tiêu cực của giá dầu giảm trên thị trường thế giới...

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2015 ước tăng 6,03%, cao hơn mức tăng 5,06% cùng kỳ năm 2014; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10%; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 9,1% so với quý 1/2014; tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng khoảng 6,9%;…

Trong phần thảo luận về các thống kê vĩ mô nói trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói: “Khi nghe tin tăng trưởng kinh tế quý 1 đạt 6,03%, quả thật là hơi giật mình. Vì vừa hôm trước, chưa có số liệu chính thức, anh em chúng tôi đều hào hứng, phấn khởi, lạc quan nhưng với dự tính có lẽ GDP quý 1 chỉ 5,6%”.

Thống đốc cho biết, sau đó đã giao anh em kiểm tra kỹ lưỡng và khẳng định “con số này là chính xác”. Bởi có nhiều yếu tố tích cực đã làm GDP tăng trên 6%, như sản xuất công nghiệp chế tạo, khai khoáng, khí đốt, dầu thô tăng. Còn nếu loại bỏ các yếu tố này thì GDP sẽ chỉ tăng đúng khoảng 5,6%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh kể rằng: “Khi tôi đi công tác ở Úc, New Zealand, anh Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có nhắn GDP quý 1, tôi hơi choáng. Vì quý 1 năm ngoái, GDP chỉ có 5,06%, mà năm nay, lại tăng 6,03%, thậm chí lúc đó còn dự báo khoảng 6,27%, gần 6,3%. Thấy vui, nhưng lại lo vì cao quá”.

Theo ông Vinh, cũng chính vì “choáng” nên ông đã yêu cầu Tổng cục Thống kê kiểm tra lại, nhưng sau đó thấy “rất yên tâm” là các phương pháp thống kê, so sánh đều chặt chẽ.

“Khâu nối lại, có hàng loạt con số rất logic thể hiện tăng trưởng kinh tế quý 1 đã tốt hơn rất nhiều”, ông Vinh nói.

Bộ trưởng Vinh lý giải, nhập khẩu vừa qua tăng mạnh, thì chủ yếu là phục vụ sản xuất, với 80% là hàng máy móc, thiết bị. Ngay cả nhập khẩu ôtô tăng, nhưng là ôtô tải, nghĩa là đều phục vụ cho sản xuất, vận chuyển vật liệu, chở đất cát chứ không phải xe du lịch, đi chơi.

Con số doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động hiện tăng hơn 12% cũng góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP trong quý 1.

Bình luận về kết quả bất ngờ của GDP, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói rằng: “Tôi không nghĩ là mình có thể đạt được. Tăng trưởng công bố lên, hơi bất ngờ, nhưng có cơ sở”.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tình hình trong nước luôn biến động. Trong đó, giá USD và giá dầu luôn phập phồng và tiềm ẩn nhiều yếu tố thay đổi. Do vậy các bộ, ngành phải hết sức coi trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, biên độ tỷ giá từ đầu năm đến nay vẫn phù hợp, tỷ giá chưa có căn cứ để điều chỉnh nên Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi, chưa có cơ sở giảm giá VND.

“Phải quan tâm nhiều đến tiền tệ”

Trước đó, trong phần thảo luận, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh năm nay “phải quan tâm nhiều đến tiền tệ”. Ông khuyến nghị phải bám sát tình hình thế giới để có quyết định sáng suốt.

“Nếu giữ nguyên tỷ giá thì làm cho hàng hóa xuất khẩu mất tính cạnh tranh, thị trường nông sản đang khó còn khó hơn. Chúng ta nên xem độ mở bao nhiêu thì vừa”, ông Vinh nói.

Báo cáo với Thủ tướng, tổ trưởng tổ vĩ mô liên ngành Cao Viết Sinh cho hay, kinh tế quý 1 năm nay tốt hơn nhiều so với các năm trước. Trong đó sản xuất công nghiệp tăng gấp đôi, tổng cầu tiêu dùng phục hồi, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng tăng cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Sinh, việc tăng giá điện, xăng dầu vừa qua sẽ tác động đến lạm phát quý 2. Theo dự báo chỉ số giá tiêu dùng quý 2 tăng 1 - 1,2%, trong đó mức tăng giá điện đóng góp 0,8%. Theo ông, trong bối cảnh lạm phát tăng thấp thì phải tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường là điều cần thiết nhưng cần tính toán thời điểm để tránh ảnh hưởng đến mức tăng chung.

Đặc biệt, chuyên gia này khuyến nghị, các ngân hàng nên giảm lãi suất cho doanh nghiệp từ 1 - 1,5% để đẩy tăng trưởng tín dụng 15 - 17% cho cả năm 2015.

Ngược quan điểm với ông Cao Viết Sinh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “Giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3 sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng và GDP”. 

Về tỷ giá, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thấy rằng trước mắt nên giữ ổn định. Năm nay vẫn giữ nguyên mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2%.

Theo dự báo của các bộ ngành, tình hình kinh tế vĩ mô quý 2 và cả năm 2015 tiếp tục xu thế ổn định; lạm phát được duy trì ở mức thấp; tăng trưởng GDP quý 2 được dự báo cao hơn cùng kỳ năm trước;…

Tuy nhiên, thời gian tới vẫn có nhiều yếu tố bất lợi như kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn và giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng và xuất khẩu; giá dầu thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp.