11:14 28/05/2010

Bộ Xây dựng nêu giải pháp hạ "sốt" đất tại Hà Nội

Hạnh Liên

Bộ Xây dựng đề nghị không cho sang tên đổi chủ những trường hợp chưa đủ thủ tục, giấy tờ và chưa nộp thuế tại những vùng "sốt" giá đất

Đất Ba Vì đang là tâm điểm của cơn "sốt" giá.
Đất Ba Vì đang là tâm điểm của cơn "sốt" giá.
Bộ Xây dựng đề nghị không cho sang tên đổi chủ những trường hợp chưa đủ thủ tục, giấy tờ và chưa nộp thuế tại những vùng "sốt" giá đất.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang khẩn trương cùng UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các huyện Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Thường Tín báo cáo tình hình thực hiên các dự án bất động sản theo quy hoạch, tình hình chuyển nhượng đất đai (đất thổ cư và đất canh tác) và tình hình biến động giá từ đầu năm 2010 đến nay trên địa bàn, báo cáo Quốc hội trước ngày 30/5/2010.

Theo ông Nam, một trong những nguyên nhân làm cho giá đất tại một số khu vực ven đô tăng cao là cơ sở hạ tầng giao thông tại các huyện ngoại thành thuộc tỉnh Hà Tây cũ ngày càng tốt hơn, kết hợp với việc chuẩn bị hoàn thành các tuyến đường lớn nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng long - Hà Nội (đường 32, đường Láng- Hòa Lạc...). Giới đầu cơ cũng lợi dụng những thông tin chưa chính thức về quy hoạch Hà Nội mới, đẩy giá đất lên mức ảo.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về giao đất rừng, đất nông nghiệp quá thông thoáng. Nhiều nơi giao đất tại các nông, lâm trường cho cả những đối tượng không phải là nông trường viên, không phải là người địa phương. Việc quản lý đất nông trường, đất rừng còn lỏng lẻo và chồng chéo dẫn đến mua bán, chuyển nhượng lộn xộn mà chính quyền địa phương không kiểm soát được.

Mặt khác, quy định của pháp luật về thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất rừng khá đơn giản cũng đã tạo kẽ hở cho giới đầu cơ đất đai trục lợi. 
 
Theo Bộ Xây dựng, một giải pháp trước mắt nhằm hạn chế việc "thổi" giá quá mức tại các huyện Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Thường Tín (Hà Nội) là không cho sang tên đổi chủ những trường hợp chưa đủ thủ tục, giấy tờ chưa hợp pháp và chưa nộp thuế.

Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành quy định đối với đất giao có thời hạn như đất rùng, đất canh tác không được tự do chuyển nhượng mà chỉ được chuyển nhượng có điều kiện (về đối tượng, thời gian sử dụng đất) để hạn chế việc mua đi bán lại trong thời gian ngắn làm lộn xộn thị trường.

Trong hơn một tháng trở lại đây, giá đất tại nhiều khu vực ở Hà Nội tăng chóng mặt, với mức tăng nóng 35 - 40% và lượng giao dịch cũng lên 25 - 30%, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng giá bất động sản mới. Sôi động nhất tại khu vực Ba Vì, khi giới đầu tư kỳ vọng sẽ xây "trục" Thăng Long từ trung tâm Hà Nội đến Ba Vì, và nơi đây sẽ là trung tâm hành chính quốc gia.

Gần đây nhất, báo cáo chính thức của tổ chuyên gia liên ngành gửi Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, cho biết nguồn cung cho thị trường bất động sản năm 2010 được dự báo là dồi dào.
 
Sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được thông qua sẽ có nhiều dự án phát triển đô thị có quy mô lớn được khởi động góp phần tăng cung và bình ổn thị trường. Cùng với hàng trăm dự án đô thị khu vực phía Tây đang triển khai, trên địa bàn các huyện thuộc phía Đông, phía Bắc Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm... nhiều dự án đô thị, khu nhà ở tiếp tục được bổ sung. Riêng địa bàn huyện Mê Linh đang có gần 80 dự án khu đô thị, nhà ở triển khai, trong đó chiếm phân nửa là các dự án nhà ở, nhà vườn, biệt thự nhà vườn.

Theo Thứ  trưởng Nam, nếu mua bán, đầu cơ đất đai khi chưa có thông tin quy hoạch chính xác dẫn đến rủi ro cao, chưa kể đến nhiều dự án thuộc vùng "sốt" giá vẫn chưa thể triển khai do năng lực kém của nhiều chủ đầu tư.