09:31 20/05/2010

“Nếu có tiền tôi cũng không mua đất Ba Vì”

Từ Nguyên

Quan điểm của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về cơn “sốt” đất ở Ba Vì và các khu vực lân cận

Thứ  trưởng Nguyễn Trần Nam - Ảnh: T. Nguyên.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam - Ảnh: T. Nguyên.
Mang tiền “ném” vào đất đai ở Ba Vì vào lúc này là một kiểu đầu tư thiếu hiểu biết. Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về cơn “sốt” đất ở Ba Vì và các khu vực lân cận hiện nay.

Trao đổi với báo chí, ông Nam nói:

- Theo tôi hiểu thì việc nhà đầu tư đổ xô bỏ tiền mua đất Ba Vì chắc là cũng có liên quan đến đồ án quy hoạch chung Thủ đô vừa được công bố. Đây là một quy hoạch chứa đựng nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố tâm linh. Tuy nhiên, quy hoạch này chỉ mang tính định hướng về lâu dài.

Còn trước mắt, Thủ tướng chỉ mới yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, thảo luận xây dựng khu hành chính tập trung ở khu vực này để phù hợp với quy hoạch đó mà thôi.

Cá nhân tôi cho rằng, trong vòng 20 - 30 năm tới, trung tâm hành chính vẫn chỉ “loanh quanh” ở trung tâm Thủ đô mà thôi. Còn 40 - 50 năm nữa thì không biết thị trường bất động sản sẽ như thế nào, đó là chưa nói đến từ đấy đến lúc đó còn nhiều điều chỉnh.

Chẳng hạn, cách đây khoảng 20 năm, Bộ Chính trị ra nghị quyết về quy hoạch vùng Thủ đô thì đến nay cũng đã chỉnh sửa nhiều.

Nghĩa là ông cho rằng, sốt đất Ba Vì hiện nay chỉ là sốt ảo do “cò” dựng nên hay là thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của các nhà đầu tư trên thị trường bất động sản?

Theo tôi thì đất đai ở khu vực trên cũng chưa đến mức là “sốt”, mà phần lớn là do “cò” tạo dựng lên. Còn nếu có hiện tượng mua bán đất tăng lên thì cũng là do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư.

Thực tế thì không chỉ ở khu Ba Vì mà còn ở một số khu vực khác, tâm lý một bộ phận người dân đã có biến động sau khi chúng tôi tổ chức triển lãm đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với những thông tin như trục Thăng Long, trung tâm hành chính quốc  gia, các khu đô thị vệ tinh... Trong đó, nhiều người quan tâm tới thông tin chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì, nhưng, đó là câu chuyện của hàng chục năm sau.

Người ta chỉ nghe đồn thổi rằng mua bán trao tay sẽ đạt lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn, thì cứ lao vào như thiêu thân.

Với kinh nghiệm của mình, tôi có thể khẳng định, đầu tư vào khu vực Xuân Mai, Ba Vì chắc chắn sẽ thu hồi vốn chậm hơn nhiều so với các khu vực khác ở quanh trung tâm. Nhà đầu tư nào mà vội vàng mang tiền rót vào đây, theo tôi đó là một chiến lược đầu tư dại dột. Trung tâm hành chính ở Ba Vì chỉ là quy hoạch mang tính định hướng thôi.

Tất nhiên, chúng ta cũng không loại trừ khả năng có một số nhà đầu tư đã ôm đất từ trước nay đang sử dụng các chiêu để “thổi” giá tăng lên nhằm trục lợi.

Vậy vai trò của cơ quan quản lý ở đâu trong đợt “sốt ảo” này bởi hiện nay luật pháp cũng đã có những điều khoản ngăn chặn đầu cơ đất đai?

Thực tế thì chúng ta cũng chưa có cơ chế nào để ngăn cấm đầu tư đất đai theo kiểu này. Do vậy, không riêng gì ở Hà Nội, nhiều địa phương khác giá nhà đất nói chung vẫn cao và liên tục tăng.

Hơn nữa, cũng vì pháp luật mới chỉ dừng ở mức độ hạn chế đầu cơ nên diễn biến trên thị trường vẫn rất phức tạp, khó kiểm soát. Cơ quan quản lý không thể nắm hết được bởi quyền đầu tư, mua bán là của người dân bởi luật pháp không ngăn cấm.

Nhưng tôi xin lưu ý, những đối tượng không thận trọng, đầu tư vào đất đai quá lớn trong khi không nắm được thông tin quy hoạch chính xác, sẽ phải đối diện với độ rủi ro rất cao.

Thông điệp của ông đến nhà đầu tư đã và đang có ý định "ném" tiền vào khu vực Ba Vì?

Trước hết, tôi có thể khẳng định rằng, nếu có nhiều tiền thì tôi cũng chẳng dại gì mang đi mua đất Ba Vì, bởi đó là đầu tư quá dài hạn. Chỉ có những người thừa tiền, không biết dùng vào việc gì mới lên mua đất trên Ba Vì.

Còn xét về logic, đúng là do thị trường vẫn còn quá thiếu thông tin, thậm chí là còn có cả những thông tin thiếu tin cậy và chưa thống nhất. Kết cục là vẫn có một bộ phận không nhỏ đầu tư theo tâm lý bầy đàn, thiếu hiểu biết.

Trong bối cảnh như vậy, tôi cho rằng muốn đầu tư thành công phải có tính toán, phân tích cụ thể và kỹ lưỡng dựa trên những thông tin xác thực. Phải xem xét hạ tầng khu vực đó như thế nào, phương hướng phát triển, quy hoạch ra làm sao, lộ trình ưu tiên khu nào làm trước, khu nào làm sau...

Ngay sát trung tâm Hà Nội, nhiều khu đang rất cần đầu tư mà Nhà nước còn chưa đủ kinh phí để làm, nói gì tới tận ở Ba Vì.