10:35 11/10/2024

Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp trực tại các cơ sở y tế

Nhật Dương

Bộ Y tế cho rằng các mức phụ cấp và mức hỗ trợ tiền ăn đối với người lao động tại các cơ sở y tế công lập hiện là quá thấp, không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay...

Mức phụ cấp trực trong các cơ sở y tế hiện không còn phù hợp. Ảnh minh họa: Internet.
Mức phụ cấp trực trong các cơ sở y tế hiện không còn phù hợp. Ảnh minh họa: Internet.

Đây là một trong những cơ sở để Bộ Y tế đề xuất xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, và chế độ phụ cấp chống dịch.

MỨC PHỤ CẤP KHÔNG CÒN PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH THỰC TIỄN

Bộ Y tế cho biết hiện nay, các mức phụ cấp: phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với các đối tượng được áp dụng tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phòng, chống dịch là quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay.

Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch, Bộ Y tế đề xuất tăng mức phụ cấp này.

Theo Bộ Y tế, căn cứ các thời điểm áp dụng mức lương cơ sở: lương cơ sở 830.000 đồng từ ngày 1/5/2011 (Nghị định số 22/2011/NĐ-CP), đến nay lương cơ sở 2,34 triệu đồng (tăng 182%), Bộ Y tế dự tính mức phụ cấp trực và mức hỗ trợ như sau:

Đối với người lao động tham gia trực, theo dự thảo, người lao động trực 24/24 giờ được đề xuất hưởng mức phụ cấp như sau: Điều chỉnh mức tiền từ 115.000 đồng/người/phiên trực lên mức 325.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt; Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Điều chỉnh mức tiền từ 90.000 đồng/người/phiên trực lên mức 255.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II; Viện Pháp y quốc gia; Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực; Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực điều phối lấy, ghép, vận chuyển, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người).

Điều chỉnh mức tiền từ 65.000 đồng/người/phiên trực lên mức 185.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương; Trung tâm Pháp y cấp tỉnh; Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực tư vấn, vận động hiến tặng mô, bộ phân cơ thể người).

Điều chỉnh mức tiền từ 25.000 đồng/người/phiên trực lên mức tiền là 75.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y.

Đối với người lao động trực thường trú được hưởng mức phụ cấp như sau: 165.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt; Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Mức 130.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II; Viện Pháp y quốc gia; Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực; Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực điều phối lấy, ghép, vận chuyển, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người).

95.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương; Trung tâm Pháp y cấp tỉnh; Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực tư vấn, vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người);

40.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y; bệnh xá quân dân y. Ngoài ra, người lao động trực 24/24 giờ được đề xuất hỗ trợ tiền ăn từ mức tiền 15.000 đồng/người/phiên trực lên mức tiền là 45.000 đồng/người/phiên trực.

TĂNG PHỤ CẤP CHỐNG DỊCH

Theo Bộ Y tế, căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 45/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018, Bộ đề xuất quy định đối tượng tham gia chống dịch là "Người đi giám sát, điều tra, xét nghiệm, xác minh dịch; tham gia chống dịch; trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm tại cơ sở y tế và cộng đồng".

Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Tuấn Dũng.
Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Tuấn Dũng.

Theo đó, nhóm này được hưởng phụ cấp chống dịch theo mức sau đây: Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: điều chỉnh mức tiền từ 150.000 đồng/người/phiên trực lên mức 425.000 đồng/ngày/người.

Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B: điều chỉnh mức tiền từ 100.000 đồng/người/phiên trực lên mức 285.000 đồng/ngày/người.

Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C: điều chỉnh mức tiền từ 75.000 đồng/người/phiên trực lên mức 215.000 đồng/ngày/người.

Theo đề xuất của Bộ Y tế, mức phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ vào ngày thường điều chỉnh từ 100.000 đồng/ngày/người lên mức 285.000 đồng/ngày/người, áp dụng cho tất cả các loại dịch; vào ngày nghỉ hằng tuần bằng 1,3 lần mức phụ cấp thường trực vào ngày thường; vào ngày lễ, ngày Tết bằng 1,8 lần mức phụ cấp thường trực vào ngày thường.

Bộ Y tế cũng đề xuất điều chỉnh đối tượng tham gia trực chống dịch 24/24 giờ và mức hỗ trợ tiền ăn như sau: "Người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực" thành "Người tham gia chống dịch, trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 45.000 đồng/người/phiên trực".

Cộng tác viên, tình nguyện viên, nhân viên đảm bảo thiết bị, hoá chất, thành viên Ban Chỉ đạo tham gia chống dịch nhóm A trong thời gian có dịch được đề xuất hưởng mức bồi dưỡng như sau:

Điều chỉnh mức tiền từ 100.000 đồng/ngày/người lên mức 285.000 đồng/ngày/người đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch.

Điều chỉnh mức tiền từ 60.000 đồng/ngày/người lên mức 170.000 đồng/ngày/người đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.