16:07 01/09/2024

Bộ Y tế yêu cầu sử dụng vitamin A trong điều trị bệnh sởi cho trẻ em

Phúc Minh

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phân bổ vitamin A viên nang 100.000 đơn vị và 200.000 đơn vị cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi trên địa bàn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Yêu cầu được Bộ Y tế nêu trong công văn gửi Sở Y tế các địa phương về việc sử dụng vitamin A trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc, số ca nhập viện bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị và phòng chống, bệnh sởi, trong đó việc bổ sung vitamin A cho việc điều trị hỗ trợ các bệnh liên quan đến mắt và suy dinh dưỡng là cần thiết.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của địa phương phân bổ vitamin A viên nang 100.000 đơn vị, và 200.000 đơn vị hiện còn tồn kho sau khi kết thúc Chiến dịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ em đợt 1/2024 cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi trên địa bàn.

Trường hợp số lượng vitamin A còn tồn tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu, đề nghị các tỉnh, thành phố liên hệ Viện Dinh dưỡng để được cấp bổ sung.

Cùng với đó, Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng vitamin A được phân bổ để điều trị cho trẻ em mắc sởi trên địa bàn theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi ban hành tại Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đồng thời, tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch sởi cho người dân, trong đó có vai trò của vitamin A trong điều trị bệnh sởi và dự phòng biến chứng khô mắt của bệnh.

Mới đây tại cuộc làm việc với Ủy ban nhân dân TP. HCM – địa phương đã công bố dịch sởi trên địa bàn về công tác về công tác phòng, chống dịch sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị Sở Y tế TP. HCM xem xét điều phối, cung cấp vitamin A liều cao cho các cơ sở y tế để các cơ sở điều trị bệnh, cũng như tiếp tục đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để phòng chống dịch.

Các bệnh viện cần chủ động liên hệ và báo cáo kịp thời với Sở Y tế, Cục Quản lý Dược trong trường hợp cần các thông tin liên quan đến các loại thuốc được cấp phép, hoặc trường hợp cần cung cấp thuốc kịp thời để điều trị cho bệnh nhân.

TP. HCM cần tiếp tục công tác truyền thông cho người dân, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch để người dân chủ động phòng chống dịch và phối hợp với bệnh viện phòng chống dịch.

Riêng Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, thu dung điều trị giảm ca nặng và tử vong, kiểm soát lây nhiễm chéo, có phương án phối hợp với các bệnh viện khác để hỗ trợ, kể cả với các bệnh viện Trung ương trên địa bàn thành phố; không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch với tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo cho các tỉnh, các cơ sở tuyến dưới, nhất là các phòng khám tư nhân trong công tác điều trị, đảm bảo điều trị tốt, chuyển viện phù hợp, an toàn, không để xảy ra tình trạng quá tải bệnh viện...